Netflix cần tuân theo các quy định nhằm bảo đảm công bằng trong kinh doanh truyền hình

22:29 27/02/2023

Việt Nam đang có tổng cộng 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV, iQiYi (Trung Quốc). Các nền tảng phải tuân thủ theo quy định trong Nghị định 71, tức phải có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tại hội nghị ngày 27/2 ở TP HCM, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT) xuyên biên giới. Trong đó có hai dịch vụ từ Mỹ và ba dịch vụ từ Trung Quốc.

Theo chính sách mới trong Nghị định 71 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, từ 1/1, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

"Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập", ông Hà Yên khẳng định.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh việc các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu, phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đang giải đáp thắc mắc tại hội thảo. Ảnh: Hải Đăng/ICTNews.
Ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT). Ảnh: Hải Đăng/ICTNews.

Muốn được cấp giấy phép này, doanh nghiệp nước ngoài phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam. Pháp nhân có tỷ lệ vốn nước ngoài như thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quá trình hình thành hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

Về cơ bản, theo ông Nguyễn Hà Yên, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ OTT trong nước, giống hệt với các doanh nghiệp nội địa, xét về việc chịu trách nhiệm trước các quy định pháp luật hiện hành. Việc này nhằm tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ truyền hình OTT tại Việt Nam năm 2022 đạt 1.550 tỷ đồng, tăng 27,2% so với 2017. Số thuê bao OTT đạt 5,5 triệu đơn vị, tăng 26,2% so với cách đây 5 năm. Việt Nam đang có tổng cộng 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có các dịch vụ xuyên biên giới như Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV, iQiYi (Trung Quốc).  Các nền tảng phải tuân thủ theo quy định trong Nghị định 71, tức phải có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.

Trong nghị định này, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ tổ chức ngăn chặn những dịch vụ bất hợp pháp, tức các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho hay sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn các doanh nghiệp kinh doanh không phép cung cấp dịch vụ đến người sử dụng tại Việt Nam

"Không phải tự nhiên Việt Nam có sẵn hạ tầng mạng viễn thông để các ông lớn OTT trên thế giới vào khai thác. Một mặt họ cung cấp dịch vụ, mặt khác cũng thu hút lượng lớn quảng cáo nhưng không tuân thủ quy định pháp luật. Như vậy không công bằng với doanh nghiệp OTT trong nước", ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAYTV), nói.

Ông cho rằng dịch vụ OTT nếu không được quản lý sẽ có nguy cơ vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật. Ông dẫn ví dụ nhiều phim không được chiếu qua OTT trong nước do vi phạm kiểm duyệt nhưng vẫn được Netflix phát sóng.

"Cần chế tài quản lý trên cả thiết bị phần cứng và ứng dụng. Nhiều nhà sản xuất TV bán ra tại Việt Nam đã tích hợp sẵn Netflix trong hệ điều hành, chỉ cần một nút bấm trên điều khiển là có thể sử dụng dịch vụ. Về lâu dài, đây là rủi ro tiềm ẩn cho các kênh truyền hình chính thống trong nước", ông Úy nói thêm..

Mới đây, nguồn tin độc quyền từ Reuters khẳng định Netflix đang chuẩn bị mở văn phòng đại diện tại Việt Nam sau nhiều năm đàm phán với chính quyền và hoàn thành các bước đánh giá rủi ro.

Phía Netlfix từ chối bình luận về thông tin này nhưng Reuters tiết lộ văn phòng đại diện của Netflix tại Việt Nam có thể mở cửa sớm nhất vào cuối năm 2023.

Netflix có mặt tại Việt Nam vào năm 2016 trong khuôn khổ sự kiện ra mắt toàn cầu và chính thức ra mắt với phiên bản Tiếng Việt từ tháng 10/2019. Netflix hiện chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng đã từng bước đầu tư vào Việt Nam bằng cách cấp phép cho hơn 200 bộ phim địa phương, thuê đối tác Việt Nam lồng tiếng và làm phụ đề cho các chương trình, phim của Netflix. Netflix sẵn sàng kết hợp với các đối tác Việt Nam nhằm hỗ trợ, phát triển sự sáng tạo và đưa các sản phẩm của Việt Nam vươn ra sân khấu toàn cầu.

Đức Trung (t/h)

Tags: