Vấn đề trên được các chuyên gia nêu lên tại Hội thảo “Ứng dụng Kinh tế nền tảng số để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 20/2 tại Hà Nội. Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, Việt Nam ở thời đại mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang chiếm lĩnh và dần thay thế mô hình truyền thống. Vì thế, nó ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, trong đó có sự tăng trưởng, lao động, lạm phát, thị trường tài chính, cải cách thể chế.
Nền tảng số là xu hướng tất yếu của cả nền kinh tế và tất cả các loại hình doanh nghiệp |
Theo ông Thành, kinh tế nền tảng là nhánh cơ bản của kinh tế số. Việc thực hiện cách mạng công nghệ 4.0 ở cả ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tăng từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương 7 - 16% GDP đến năm 2030.
Tiềm năng lớn và rộng khắp
Hiện, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ ICT, GDP có thể tăng thêm 3750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới. Trong đó, kinh tế nền tảng đóng vai trò không nhỏ. Mặc dù vậy, việc đánh giá tác động của kinh tế nền tảng số đến tăng trưởng không hề đơn giản, bởi lẽ tiềm ẩn nhiều thành phần kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm tại các nền tảng số.
Ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch HĐQT UPGen Vietnam cho rằng, Việt Nam có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh 4.0 hiện nay, đó là một nền kinh tế mới, nền tảng mới. "Về khoa học công nghệ đúng là chúng ta không thể so với các nước trên thế giới, nhưng chúng ta có thị trường tương đối lớn. Chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng công ty hàng tỷ USD dựa trên nguồn nội địa, bằng cách dựa nhiều vào sáng tạo, rồi các đặc điểm của địa phương. Đó là nơi mà Nhà nước đóng vai trò quan trọng, tạo ra sân chơi công bằng, có các chính sách để làm sao không cạnh tranh bằng tiền mà phải bằng giá trị", ông Nam nói.
Theo Chủ tịch HĐQT UPGen Vietnam, hiện nay, bản thân các nền tảng số đã góp một phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website… Bên cạnh các hoạt động giao dịch, các nền tảng cũng là nơi thích hợp để diễn ra các hoạt động, giáo dục, đào tạo, trao đổi kiến thức kỹ năng. Một số nền tảng nổi bật trong lĩnh vực này của Việt Nam như Topica, Edumall, Kyna, Học mãi… đang phát triển nhanh chóng.
Nghiên cứu của Ambient Insight cho thấy, Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018. Mặt khác, các nền tảng còn có khả năng tạo ra cuộc cách mạng lao động, khi mà xu hướng làm việc tự do, tự chủ và lao động theo con đường phi truyển thống sẽ tiếp tục tăng tốc. Hiện chưa có thống kê về số lao động làm việc trong các nền tảng tại Việt Nam, tuy nhiên ở một số nước khác là không hề nhỏ. Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), Trung Quốc có nền kinh tế nền tảng lớn nhất thế giới với hơn 110 triệu người, bao gồm cả tài xế, người trông giữ thú cưng, người dọn dẹp nhà cửa, người đưa thư…, chiếm 15% tổng lực lượng lao động.
Cần chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
“Tuy nhiên, phải có chính sách gì để doanh nghiệp tận dụng kinh tế số mới là vấn đề đáng bàn. Nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ nữa mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Các không gian trên nền tảng cho phép người sử dụng, những khách hàng cải tiến đáng kể về hiệu suất, khả năng đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn như Twitter, Facebook cho phép bất cứ ai trở thành một nguồn tin tức mà không cần phải trở thành một nhà báo. YouTube tăng kho nội dung mà không cần thiết lập nhà truyền thông mới. Elance cho phép các công ty hoàn thành công việc mà không phải thuê người làm công việc này. Chính sự sáng tạo của các nền tảng trong cách tiếp cận kinh doanh đang cổ vũ những đổi mới sáng tạo ở người dùng”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, nguyên Giám đốc Be Group, Đồng sáng lập VNG Corporation nêu vấn đề: Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy các nền tảng số để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, có những chính sách lại đưa lợi thế vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng. Vốn, công nghệ vốn không phải thế mạnh của Việt Nam, thì chúng ta phải dựa vào lợi thế về sáng tạo, lợi thế về thị trường và sự am tường con người. Khi Grab vào Việt Nam, dịch vụ vận chuyển, khách hàng, xe, lái xe, chi tiêu... đều là của Việt Nam, nhưng nền tảng công nghệ lại của nước ngoài. Để cạnh tranh, bản thân doanh nghiệp phải đánh giá cuộc cạnh tranh đó để biết điểm mạnh, điểm yếu, tiếp cận góc độ mới, tập trung vào một vài nền tảng mạnh, có sức cạnh tranh để phát huy, chứ không nên nhảy vào tất cả các nền tảng để lãng phí nguồn lực.
Theo ông Hải, Việt Nam có thể được cải thiện sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp khi: xây dựng hệ sinh thái nền tảng số, vận dụng kinh tế nền tảng số để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vận dụng kinh tế nền tảng số trong phát triển và quản lý nguồn nhân lực, vận dụng kinh tế nền tảng số trong phát triển các thị trường. Để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam, trước hết tự thân các nền tảng phải trở nên cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp cũng nên tiếp thu chiến lược mà nhiều quốc gia đang sử dụng là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau.
Chu Khôi