Nên kích cầu như thế nào mới đem lại hiệu quả

14:29 21/10/2021

Để tăng trưởng cao lên, một mặt phải kích cầu (thực), đồng thời phải rà soát nhập siêu. Vấn đề đặt ra là quy mô của gói kích cầu nên là bao nhiêu và phương thức kích cầu nên như thế nào?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tổng cầu yếu do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ yếu nhất là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, tập trung ở những nơi có nhiều doanh nghiệp, có đông dân cư, trong thời gian khá dài, làm cho thu nhập bị giảm bởi số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường nhiều và tăng, do phải giãn cách. Có nguyên nhân do tâm lý tiết kiệm tiêu dùng hoặc tỷ lệ tự cấp tự túc tăng từ dưới 10% lên trên 10% tổng tiêu dùng cuối cùng.

Trước hết cần điểm qua gói kích cầu của Việt Nam năm 2009. Vào năm 2009, để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đưa ra gói kích cầu khoảng 9 tỷ USD - tương đương 9% quy mô GDP của năm đó (trên 99,8 tỷ USD). Nhờ gói kích cầu này mà Việt Nam đã không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng (tăng trưởng kinh tế chỉ bị giảm tốc độ chứ không bị mang dấu âm)... Tuy nhiên, với phương thức kích cầu thông quan việc cấp bù lãi suất (mà lúc đó được coi là sáng kiến riêng có của Việt Nam) đã kéo theo hơn 400 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại ra lưu thông, đã làm cho lạm phát cao lên trong nhiều năm sau đó.

Mười năm sau, trước đại dịch Covid-19 đã diễn ra ở hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, các nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc đưa lãi suất cơ bản xuống mức thấp gần như bằng 0% và tung ra các gói kích cầu lên tới hàng chục tỷ USD, bằng 20% GDP toàn cầu.

Có 3 nhóm giải pháp kích cầu cơ bản. (1) Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng tiền. (2) Nhà nước trợ giá, giảm thuế, giảm chi phí sản xuất sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. (3) Nhà nước đứng ra mua sản phẩm, dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp.

Việt Nam cũng nằm trong diễn biến chung của thế giới, nhất là từ cuối tháng 4 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở 62/63 tỉnh/thành phố, tập trung ở các địa bàn đông dân cư, có nhiều doanh nghiệp. Mới qua 9 tháng/2021, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp (chiếm trên 11,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) phải ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường, tăng trưởng kinh tế quý 3 giảm 6,17% và 9 tháng chỉ tăng 1,42%, dự báo cả năm tăng dưới 3,5% - đều là tốc độ tăng thấp nhất trong mấy chục năm qua; lực lượng lao động và số lao động đang làm việc giảm, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng... Do đó muốn vực dậy nền kinh tế không thể không vận dụng các giải pháp kích cầu.

PV/ theo Vneconomy