Đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 của vùng về GRDP năm 2023
Theo Cục Thống kê Hải Phòng, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước kế hoạch tăng (12,7%-13%), đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Các khu vực kinh tế gồm nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp- xây dựng; dịch vụ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp… đều tăng trưởng với tỷ trọng tương ứng là 3,4%; 53,34%; 37,76% và 5,5%.
Đáng chú ý, Hải Phòng vẫn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nội địa, đạt 42.500 tỷ đồng, bằng 135,66% so với dự toán Trung ương giao và bằng 100% dự toán HĐND. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 58.000 tỷ đồng, bằng 82,98% so với dự toán Trung ương giao và bằng 82,98% so với dự toán HĐND. Thu hút vốn FDI đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng hơn 13%, đứng thứ 9 cả nước. Sản lượng hàng qua Cảng đạt 170,08 triệu tấn, tăng 1,19%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 190.641 tỷ đồng, tăng 11,24%; thu hút 7,95 triệu lượt khách du lịch, tăng 13,56%... Các chỉ tiêu về văn hóa xã hội; an toàn giao thông… đều có nhiều chuyển biến khá tích cực.
Hải Phòng còn là điểm sáng của cả nước trong giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố ước đạt 190.641,7 tỷ đồng, tăng 11,24% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực vốn nhà nước có mức tăng cao nhất, tăng 31,36%, chiếm cơ cấu 14,90%; khu vực ngoài nhà nước tăng 8,46%, đây là khu vực có đóng góp nhiều nhất trong mức tăng trưởng chung với cơ cấu chiếm 50,97%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,15% so với cùng kỳ, chiếm cơ cấu 34,13%.
Tiềm lực kinh tế tiếp tục được củng cố và nâng cao, Hải Phòng có điều kiện chăm lo phát triển y tế, giáo dục với những cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt. Thành phố tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi gia đình chính sách; thăm, tặng quà cho 174.655 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh phí 541,6 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm. Quốc phòng an ninh được giữ vững.
Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao, có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường… Hải Phòng đã kết hợp với các tỉnh lân cận, đặc biệt là các tỉnh trên trục cao tốc phía Đông để xây dựng nhiều cây cầu vượt sông, qua đó tạo sự liên kết vùng kinh tế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc. một diện mạo hoàn toàn mới của Hải Phòng.
Trong năm 2023, nhiều công trình trọng điểm được đẩy mạnh tiến độ thực hiện, như: Dự án Cầu bến Rừng; dự án Xây dựng công trình Trung tâm chính trị - Hành chính thành phố; dự án đầu tư xây dựng công trình trung tâm hội nghị - biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm; dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Máng nước từ chân cầu Bính nối với đường 359 tại thị trấn Núi Đèo huyện Thủy Nguyên; dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển…Cùng với đó là một loạt dự án khác cả trong và ngoài ngân sách như nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng- Máng nước- quốc lộ 5; cầu Máy Chai; tuyến đê biển Nam Đình Vũ; dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2; tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường kết nối từ Vĩnh Bảo, An Lão, Đồ Sơn ra đường ven biển và một loạt dự án giao thông khác.
Với sự đầu tư đồng bộ các tuyến đường, cầu cảng, bến bãi, kết nối vùng được hoàn thiện đã tạo ra không gian Hải Phòng gần hơn các vùng kinh tế khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh cung cấp, khai thác cảng biển, nâng cấp đô thị đã thu hút nguồn vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài đến với TP Hải Phòng.
Tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm.
Tiếp bước những thành công trong năm cũ, năm 2024, TP Hải Phòng đặt mục tiêu GRDP tăng khoảng 11,5% - 12% so với năm 2023. Trong đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 106.760 tỷ đồng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 15%. Đặc biệt, địa phương đặt mục tiêu thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu FDI…
Để tạo bứt phá trong tăng trưởng kinh tế, TP tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển gồm: Đột phá thứ nhất về cảng biển và dịch vụ logistics với định hướng xây dựng TP Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại. Xây dựng cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Đột phá thứ hai là chuyển đổi số, phấn đấu trở thành địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư.
Đột phá thứ ba phát triển du lịch, định hướng xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của TP gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Về phương hướng phát triển, Hải Phòng ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của TP, gồm: Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin, Dịch vụ cảng biển và logistics, Thương mại. Phấn đấu 3 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55 - 60% giá trị tăng thêm trên địa bàn TP vào năm 2030.
Trong đó, khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế sẵn có để ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng vai trò là trụ cột kinh tế của Hải Phòng. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có thế mạnh như cơ khí chế tạo, cơ khí giao thông, công nghiệp điện tử…; thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới.
Mặc khác, Hải Phòng phát triển nhanh các ngành dịch vụ với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch và thương mại. Đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm. Xây dựng mới các trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các khu trung tâm dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên), An Dương,… Hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ, ẩm thực,... ở khu vực nội thành lịch sử. Xây dựng các chợ đầu mối ở Đồ Sơn, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão,…
Nguyễn Lương