Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: "Mỹ đang thảo luận rất tích cực với các đối tác châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu của Nga sang các nước này, trong khi tiếp tục duy trì nguồn cung dầu ổn định trên toàn cầu".
"Các hành động mà chúng tôi thực hiện cho đến nay đã có tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế Nga", ông Blinken nói thêm.
Theo nguồn tin của Reuters, châu Âu phụ thuộc vào Nga về dầu thô và khí đốt tự nhiên nhưng đã ủng hộ kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Mỹ trong 24 giờ qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh việc giảm lượng dầu xuất khẩu của Nga là rất quan trọng, kêu gọi Shell và các công ty năng lượng khổng lồ khác cắt nguồn doanh thu lớn nhất của Moscow và ngừng mua dầu của Nga.
Đề cập đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Mục tiêu là cô lập Nga và khiến ông Putin không thể tài trợ cho các cuộc chiến của mình. Đối với chúng tôi, chiến lược mạnh mẽ hiện nay là phải loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nhà Trắng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu công nghệ cho các nhà máy lọc dầu của Nga và dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Cho đến nay, Chính phủ Mỹ vẫn chưa thực hiện biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, do đang cân nhắc những tác động đối với các thị trường dầu mỏ toàn cầu và giá năng lượng tại Mỹ.
Giá dầu đã tăng vọt trong tuần qua sau khi Mỹ và các đồng minh trừng phạt Nga về vụ tấn công Ukraine.
Người Mỹ là những người tiêu thụ xăng đứng đầu thế giới. Mức giá xăng trung bình tại Mỹ là 4,009 USD/gallon vào ngày 6/3, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. (1 gallon = 3,78 lít).
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này nhập khẩu trung bình trên 20,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu một tháng trong năm 2021 từ Nga, khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu.
NĐ (t/h)