Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai lập quy hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, tiến độ lập quy hoạch đang bị chậm, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Số lượng quy hoạch còn lại mà các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm hiện tại đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 08 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 07 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 01 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
Để chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác quy hoạch trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, về phía tỉnh Nghệ An, cho đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch tỉnh, đã được hội đồng thẩm định. Chúng tôi đã hoàn thiện thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, hiện đang chờ kỳ họp hội đồng diễn ra vào đầu tháng 5 để thông qua, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Qua quá trình thực hiện, Nghệ An có gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đó là vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất. Nghệ An đã chấp hành nghiêm túc theo Quyết định 326 do Thủ tướng ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch, có thể thấy việc phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển đô thị còn thấp. Một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với nhu cầu của tỉnh để đưa vào quy hoạch”- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
Dịp này, Nghệ An kiến nghị Bộ tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng về việc điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất cho phù hợp với nhu cầu của các địa phương. Đồng thời đề nghị, khi phê duyệt, để thuận lợi cho quá trình triển khai, bên cạnh phương án cứng dựa trên Quyết định 326, cần có phương án mở, được điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng để thực hiện ngay, chứ không phải chờ điều chỉnh quy hoạch, bởi mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, các thủ tục sẽ rất mất thời gian.
Với đề xuất của Nghệ An, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, đối với ý kiến về Quyết định 326, khi thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thì việc sử dụng đất phải căn cứ chỉ tiêu được phân và Thủ tướng có thể xem xét, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, quy hoạch cần phải làm thời gian mở, không chỉ gói gọn trong thời gian ngắn chỉ 5 năm. Quy hoạch cần phải theo chỉ tiêu đã được đề ra, không nhầm lẫn giữa những chỉ tiêu, quy hoạch về không gian, đặc biệt cần phải có kế hoạch phân bổ, tư duy phát triển để từng bước phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tháng 3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cho Hà Nội. Đến thời điểm này, Hà Nội mới xong bước chấm thầu để lập quy hoạch. Đây là việc khá chậm, Hà Nội xin nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ. “Nguyên nhân ở đây bao gồm cả chủ quan và khách quan. Như đã báo cáo, anh em ở dưới địa phương còn rất lúng túng trong câu chuyện nguồn. Nguồn đầu tư công quy trình quá lâu. Việc làm quy hoạch đầu tư công quá lâu nhưng nếu làm nguồn vốn sự nghiệp thì không lại được phép. Ngay như Hà Nội cũng lúng túng mất 6-7 tháng về vấn đề nguồn. Đợt này chúng tôi quyết tâm dứt điểm cho kịp; Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, chúng tôi phấn đấu quyết tâm tháng 10 sẽ xong”- Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, với quy trình hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập quy hoạch có 6 luật: Luật Quy hoạch 2017, Luật Đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014, bên cạnh đó là Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. Các thủ tục còn rườm rà và quá dài, do đó, mong Thủ tướng và Chính phủ ra Nghị quyết sửa một số điều để thời gian triển khai rút ngắn lại.
Thừa Thiên Huế hiện nay đang triển khai Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị, nên đặc biệt quan tâm đến không gian phát triển đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng. Hai đồ án quy hoạch này bổ trợ cho nhau, làm rõ không gian phát triển cho tỉnh.
Đối với công tác quy hoạch hiện nay, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc triển khai quy hoạch tỉnh ở các địa phương có nhiều thuận lợi bởi đã có thông tin, định hướng, phù hợp quy hoạch Quốc gia. Ngoài ra, các vùng đều có các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội với tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Ông Phương cũng nêu quan điểm, trong các đồ án quy hoạch cần tính toán chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, có tính mở nhằm tránh tạo ra rào cản phát triển trong tương lai.
Với không gian phát triển, tiềm năng của các khu kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhận định, khu vực này sẽ tạo đột phá phát triển tại nhiều địa phương trong tương lai, do vậy, Luật Đất đai cần có “không gian” quy định cụ thể. Ngoài ra, các nghiên cứu quy hoạch cần tính toán đến vấn đề kết nối các tuyến giao thông nhằm liên kết các đô thị trong vùng.
P.V