Không bất ngờ
Một tin vui đối với nền kinh tế là theo BER toàn cầu quý II/2023 của Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc Tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh), Việt Nam là nền kinh tế có mức tăng mạnh nhất trong bảng xếp hạng. BER của EIU sử dụng khung phân tích tiêu chuẩn với 91 chỉ số để đo lường mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia, vùng lãnh thổ và công bố hàng quý, thể hiện mức tăng/giảm bậc trên cơ sở so sánh giữa quý trong năm hiện tại với quý cùng kỳ của năm trước đó.
“Việt Nam là nền kinh tế tăng bậc mạnh mẽ nhất trên toàn thế giới, tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng của chúng tôi”, báo cáo của EIU cho biết. Xếp sau Việt Nam về tốc độ tăng thứ hạng trong năm qua với mức tăng cũng rất tích cực là Thái Lan (tăng 7 bậc), và 4 nền kinh tế khác gồm: Bỉ, Thụy Điển, Ấn Độ và Costa Rica đều có mức tăng 6 bậc.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, báo cáo này của EIU không công bố các chi tiết các chỉ số để có cơ sở đánh giá. Tuy nhiên, có thể thấy Việt Nam tăng bậc nhờ duy trì được các chỉ số ổn định về mặt chính trị và kinh tế vĩ mô; cải thiện nhẹ trong các chỉ số về tỷ giá, kiểm soát ngoại thương, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động, mức độ sẵn sàng về mặt công nghệ, chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong khi cải thiện mạnh ở chỉ số cơ hội thị trường...
“Sự tăng bậc này một phần là do những nỗ lực của Việt Nam, thể hiện ở việc cải thiện các chỉ số thành phần, nhưng một phần do các nước khác chậm tiến bộ, hoặc chịu ảnh hưởng mất điểm từ cơ hội thị trường, cũng như gặp một số khó khăn trong bối cảnh bất định hiện tại, nên Việt Nam có cơ hội vượt lên. Tuy nhiên, chỉ số này đánh giá theo quý, nên cũng có thể thay đổi rất nhanh trong thời gian tới”, chuyên gia này lưu ý.
Bình luận về kết quả này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) tỏ ra không bất ngờ.
“Việc nhảy bậc của Việt Nam dễ hiểu thôi. Một trong những yếu tố khiến nhảy bậc tốt là vì kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP năm 2022 cũng thuộc top đầu thế giới; và các chỉ số vĩ mô khác cũng tốt đã giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam”, bà Thảo cho biết.
Thực tế năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam ghi nhận mức 8,02%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong khi đó, dù kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn song về cơ bản ổn định, các chỉ số vĩ mô được đảm bảo, không bị suy giảm hay tiêu cực đi.
Hơn nữa, nếu đặt bối cảnh đó của Việt Nam trong so sánh về mặt tương quan với nhiều nền kinh tế khác, sẽ thấy nhiều nước trong năm vừa qua rất khó khăn, các chỉ số kinh tế vĩ mô không thuận; tình trạng lạm phát cao, thậm chí kinh tế một số nước rơi vào suy thoái… và như vậy thì vô hình trung là vị thế của Việt Nam cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, một lý do khác để môi trường kinh doanh của Việt Nam thăng hạng vì các chính sách, hành động triển khai thực thi chính sách luôn hướng đến tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Ví dụ, khi một doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng đầu tư hoặc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư bao giờ cũng được chính quyền từ trung ương đến địa phương dành cho một sự quan tâm lớn. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thấy đây là một điểm thuận lợi, và vì vậy cảm nhận của họ (nhà đầu tư nước ngoài) cũng sẽ tốt hơn.
Cần phải nỗ lực nhiều hơn
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Thảo, một điểm nữa là các nền kinh tế trong khu vực châu Á, cụ thể ở đây như Việt Nam, Thái Lan… tiếp tục có lợi thế, có cơ hội tốt từ việc các công ty, tập đoàn đa quốc gia muốn mở rộng và phát triển đầu tư theo chiến lược Trung Quốc+1 để đa dạng hóa chuỗi giá trị và sản xuất của họ. Tức là bên cạnh vị trí địa chiến lược thuận lợi, triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, chính sách tốt và cảm nhận môi trường kinh doanh và đầu tư tốt thì họ còn nhìn thấy ở Việt Nam các cơ hội đầu tư, mở rộng đầu tư phù hợp với chiến lược của họ.
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, mặc dù sự “nhảy bậc” mạnh mẽ trên BER là tín hiệu tích cực, song cũng chỉ nên xem đây là một công bố có tính chất tham khảo. Lý do, theo TS. Thảo, một phần là vì kết quả này chủ yếu dựa trên kết quả khảo sát các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài và dựa nhiều trên cảm nhận của nhà đầu tư, do đó chưa thực sự phản ánh được các vấn đề của môi trường kinh doanh một cách đầy đủ nhất. Bởi môi trường kinh doanh phải bao gồm cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Về mặt quy định pháp luật, chính sách đầu tư, kinh doanh được áp dụng chung cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nên sẽ không thấy có sự phân biệt. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở quá trình thực thi, thì vẫn có một xu hướng là thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ khi nhà đầu tư nước ngoài có kiến nghị, vướng mắc thì bao giờ cũng được kịp thời giải quyết hơn là khu vực trong nước.
“Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là một mặt vẫn duy trì những hỗ trợ này nhưng đồng thời cũng phải cân đối, quan tâm và tăng cường có các hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước”, bà Thảo nói.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, như đã chỉ ra ở trên, việc nhiều nền kinh tế gặp những biến động lớn, tác động đến môi trường kinh doanh và đầu tư của họ khiến việc tăng bậc khó khăn, thậm chí giảm bậc trong thời gian vừa qua sẽ chỉ là nhất thời và khi họ vượt được qua khó khăn thì có thể sẽ nhảy bậc rất mạnh. Chính vì vậy, dù Việt Nam ghi nhận tăng bậc tốt vừa qua nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện và cần những nỗ lực rất lớn để duy trì được vị thế trong các kỳ đánh giá tiếp theo.
Theo TS. Lê Duy Bình, việc tiếp tục phải cải thiện môi trường kinh doanh; tháo gỡ những vướng mắc là yêu cầu tất yếu. Chuyên gia này cho rằng, các quy định, tiêu chuẩn đưa ra phải phù hợp với quy mô, bản chất, đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Không nên áp dụng các tiêu chuẩn quá cao, chi phí tuân thủ quá lớn khiến các doanh nghiệp khó khăn.
“Khi đưa ra các quy định, như câu chuyện gần đây liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, cần tính toán rất kỹ đến các tác động về mặt chi phí tuân thủ, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trong nước để vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhưng cũng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và tuân thủ phù hợp. Chỉ có tư duy như vậy mới giúp tháo gỡ được nhiều khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn hiện nay”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo Đỗ Lê/Thời báo Ngân hàng