Mạnh tay trước hàng giả: Giải pháp hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng

10:53 15/03/2023

Để đấu tranh với hàng giả trên môi trường mạng, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục QLTT xây dựng Đề án phòng chống gian lận thương mại trên TMĐT, dự kiến trong quý 1 sẽ được Chính phủ phê duyệt.

Ảnh minh họa
Cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách nhận biết hàng giả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Hôm nay (15/3) là ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.” Mặc dù sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, song ở đâu đó, những vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn xảy ra ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của những khách hàng yếu thế.

Vì vậy, để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh rất cần những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là chế tài xử lý những hành vi gian lận cần nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp

Ngày 10/3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá gần 8,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, số lượng hàng hóa tiêu hủy lần này gồm 2.745 kg thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm…

Cùng với đó là 1.320 kg khí N20 (bóng cười); 800 kg hàng hóa là xe máy điện (không có ắc quy), bút camera, cục định vị, kính mắt camera, củ sạc camera, móc khóa ghi âm; 130kg rượu không rõ nguồn gốc; 525 kg xăng cùng 230 kg nồi cơm điện, bo mạch chủ máy tính, điều hòa…

Đây đều là tang vật các vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ mà lực lượng chức năng của Hà Nội phát hiện bắt giữ trong năm 2021 và 2022.

Điều đáng nói, các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, thậm chí những sản phẩm để hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh bị làm giả cũng không phải là hiếm.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng. Hàng hóa được các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Thủ đoạn làm hàng giả cũng ngày càng tinh vi. Dẫn chứng thực tế, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, nhiều cá nhân tự sản xuất thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh và tự gắn nhãn mác kể cả nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng, nhiều nhất là hóa mỹ phẩm (son phấn, nước gội đầu).

Lo ngại hơn, những sản phẩm được quảng cáo là thuốc giảm cân bị phát hiện chỉ làm từ bột mì. Điểm đáng lưu ý là số lượng người sử dụng các sản phẩm này rất lớn, trong khi lợi nhuận thu về của các gian thương lại rất cao.

Ảnh minh họa
Nhìn bằng mắt thường rất khó nhận biết hàng giả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Mới đây nhất, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra tại một khu đô thị cao cấp thuộc quận Hoàng Mai, phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất.

Trước đó, ngày 16/2, lực lượng này đã phát hiện tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh 2 kho chứa số lượng rất lớn các loại mỹ phẩm, sữa tắm, nước hoa gắn nhãn mác nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, toàn bộ hàng hóa chủ yếu được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, không có cửa hàng cũng như thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp.

“Hóa mỹ phẩm, dược phẩm gắn liền với sức khỏe của người dân, do vậy, đây tiếp tục là những mặt hàng trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất của lực lượng Quản lý thị trường,” ông Linh cho hay.

Nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng

Có thể thấy mặc dù trong quan hệ mua bán, khách hàng vẫn được coi là “thượng đế,” nhưng chỉ là “thượng đế” lúc mua hàng, còn sau khi mua hàng lại chưa được quan tâm, chăm sóc tốt. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng các chế tài cần quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của các bên khi tham gia giao dịch, trong đó chú trọng hơn việc bảo vệ các đối tượng yếu thế.

Để có những hành động thiết thực, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Dự án Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm bám sát yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay. Theo kế hoạch, Dự án Luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2023.

Ảnh minh họa
Thành phần chính của nhiều loại thực phẩm chức năng bị thu giữ chỉ làm từ bột mì. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+).

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối Tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 là “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn.”

“Trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa. Trong số đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế,” ông Tân nói.

Còn theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin thêm, để đấu tranh với hàng giả trên môi trường mạng, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục xây dựng Đề án phòng chống gian lận thương mại trên thương mại điện tử và dự kiến trong quý 1/2023 sẽ được Chính phủ phê duyệt.

Ông cũng khuyến nghị người tiêu dùng cần lựa chọn các nhà sản xuất chính hãng, cũng như lấy hóa đơn khi mua hàng để có thể đối chiếu khi mua phải hàng hóa không đúng chất lượng.

“Mặt trận chống hàng giả, hàng nhái có mục tiêu cuối cùng là để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi người tiêu dùng. Đôi khi họ luôn ở thế bất lợi bởi việc muốn mua hàng nhưng không mua được sản phẩm mong muốn như mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng như cam kết. Do vậy, việc tạo được thị trường lành mạnh, đẩy mạnh chống gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng là mục tiêu của các lực lượng chức năng,” ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Số vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại bị lực lượng 389 Hà Nội xử lý năm 2022:

Ảnh minh họa

Theo Đức Duy (Vietnam+)