Tại hội nghị: “Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật”, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: trong 6 tháng đầu năm 2024, EU phát đi 2.700 cảnh báo, trong đó có 57 cảnh báo (tỷ lệ 2,1%) đối với nông sản, thực phẩm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Những mặt hàng cụ thể như: rau, quả, gia vị; thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm; cá, mực, tôm, ếch, ngao... cùng một số sản phẩm chế biến khác như: tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở... có dấu hiệu vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ cho phép, kiểm soát vi sinh vật gây hại, kiểm soát các nguồn tác động hoặc một số nguyên nhân khác.
“Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%). Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết.
Phân tích nguyên nhân về sự tăng số lượng cảnh báo, Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam cho rằng, có nguyên nhân chủ quan đến từ phía doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức giới hạn dư lượng (MRL) đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật. Trong khi đó, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát cũng là một lý do khiến số lượng cảnh báo tăng. Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói. Pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định và chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Trong khi EU định kỳ 6 tháng một lần rà soát về áp dụng các biện pháp tăng cường, kiểm tra bổ sung, quản lý nhập khẩu, thì việc góp ý cho thông báo dự thảo về biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Việt Nam còn hạn chế. Chỉ một số ít địa phương thực sự quan tâm và có những phản hồi đầy đủ, kịp thời.
Nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản thực phẩm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cũng cho hay, nhiều năm qua, các mặt hàng gia vị liên tục bị cảnh báo về dư lượng thuốc, vi sinh vật gây hại và kim loại nặng.
Tại hội nghị trước đó, bà Coulon Sylvie, chuyên gia cao cấp của Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm (DG-SANTE) của Ủy ban châu Âu, cho biết, Việt Nam gia tăng mối nguy về dư lượng thuốc trừ sâu và nhiễm khuẩn vi sinh (salmonella), cũng như aflatoxins. Hạt tiêu Việt đang chịu tần suất kiểm tra 50% khi nhập khẩu vào EU. Nếu tình hình không được cải thiện, EU có thể áp dụng biện pháp ngưng nhập một số mặt hàng từ Việt Nam.
Để giảm thiểu ảnh hưởng khi nông sản Việt xuất sang EU, ông Nam cho rằng, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về sử dụng thuốc, kháng sinh và giám sát chặt vùng trồng, cơ sở đóng gói. Văn phòng SPS Việt Nam cam kết hỗ trợ thông tin về kiểm dịch và an toàn thực vật, giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt các quy định trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và FTA giữa Việt Nam - EU.
Ông Lương Ngọc Quang, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý: “Các quốc gia EU luôn rà soát và sửa đổi thường xuyên, chính vì vậy mà các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới, trước khi dự định xuất hàng thì cũng nên truy cập vào các trang thông tin để cập nhật, rà soát lại... để nắm thông tin chính xác hơn. Bởi các thông số liên tục được cập nhật và thay đổi theo tháng...”
Tú Anh (t/h)