Bài liên quan |
Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cùng Bộ Công Thương bình ổn giá thịt lợn |
Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn trong tháng 6 vừa qua đạt 75.200 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 46.800 tỷ đồng (giảm 3,1%), doanh thu lưu trú và ăn uống đạt 10.400 tỷ đồng (giảm 0,8%).
![]() |
Hà Nội đẩy mạnh khuyến mại và bình ổn giá |
Trước thực trạng này, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và Kế hoạch số 299/KH-UBND tổ chức Chương trình Khuyến mại tập trung năm 2025. Hai chương trình được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho thị trường bán lẻ trong các đợt cao điểm vào tháng 7 và tháng 11, với sự tham gia của 1.000–2.000 doanh nghiệp, mức giảm giá sâu lên tới 50%.
Trên thực tế, nhiều hệ thống phân phối lớn đã chủ động “vào cuộc” với các chương trình khuyến mại vượt mức giới hạn truyền thống. Đại diện siêu thị Co.op Mart Hà Đông, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hệ thống đang triển khai nhiều chương trình khuyến mại đa dạng như tặng quà, đồng giá, giảm sâu nhằm thu hút người tiêu dùng, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để tạo sức mua. “Thông qua hoạt động này, chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong đợt khuyến mại tập trung”, bà Dung chia sẻ.
Không riêng Co.op Mart, hệ thống MM Mega Market cũng đang triển khai nhiều ưu đãi như giảm giá trên 50%, mua 1 tặng 1, áp dụng đồng thời trên kênh bán hàng online và trực tiếp. Trong khi đó, Lotte Mart phát động chương trình “Shopping Season” với mức giảm lên tới 50% cho hơn 6.000 mặt hàng thiết yếu và đồ gia dụng, tặng quà cho hóa đơn lớn nhằm kích cầu tiêu dùng mùa mua sắm cuối năm.
Một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động năm nay là việc kết nối mạnh mẽ giữa khuyến mại truyền thống với thương mại điện tử. Ông Nguyễn Văn Hiệp – đại diện Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, cơ quan này đang hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm giảm giá lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… “Bằng các hoạt động này, ngành công thương Thủ đô kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử và tiêu dùng số”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Sự kiện đặc biệt “Hà Nội đêm không ngủ – HaNoi Midnight Sale 2025” dự kiến tổ chức vào ngày 28/11, trùng với dịp Black Friday toàn cầu, hứa hẹn mang lại không khí sôi động cho thị trường bán lẻ. Ngoài ra, chương trình “Ngày hội khuyến mại hàng hiệu” tổ chức tại các sảnh khách sạn cao cấp cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm trải nghiệm mua sắm của người dân Thủ đô.
Theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, việc tổ chức các chương trình bình ổn giá và khuyến mại tập trung không chỉ là giải pháp tình thế nhằm thúc đẩy tiêu dùng, mà còn là chiến lược lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, chương trình khuyến mại chính là cầu nối hiệu quả giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng”, bà Lan khẳng định.