Số lượng người dùng ChatGPT ngày một giảm sút khiến tình hình kinh doanh của OpenAI chưa tạo ra lợi nhuận đã phải tiếp tục gồng lỗ. ChatGPT “hết thời” khiến công ty mẹ đứng trước nguy cơ phá sản.
Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên số người truy cập trang web của chatbot AI ChatGPT và tải xuống ứng dụng này đã sụt giảm mạnh kể từ khi ra mắt vào tháng 11. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các chatbot trí tuệ nhân tạo và trình tạo hình ảnh có thể bắt đầu giảm dần.
Theo công ty dữ liệu internet Similarweb, lưu lượng truy cập trên thiết bị di động và máy tính để bàn vào trang web của ChatGPT trên toàn thế giới đã giảm 9,7% vào tháng 6. Số lượng khách hàng truy cập vào trang web của ChatGPT ước tính giảm 5,7% so với trước đó. Theo dữ liệu từ tổ chức theo dõi thị trường Sensor Tower, lượt tải xuống ứng dụng cũng đã sụt giảm kể từ khi đạt đỉnh vào đầu tháng 6.
Đồng thời, dữ liệu cho thấy lượng thời gian khách truy cập dành cho trang web giảm 8,5% chỉ sau 1 tháng. Quản lý cấp cao của bộ phận nghiên cứu tại công ty Similarweb - David Carr cho biết đây là dấu hiệu cho thấy sự mới lạ mà ChatGPT đem đến đã biến mất.
OpenAI tỏ ra khá tự tin khi cho rằng sự suy giảm của lượng người dùng có thể chỉ là kết quả của việc mọi người chuyển sang sử dụng API để xây dựng sản phẩm riêng của họ. Tuy nhiên, có một diễn biến thú vị, đó là sự bùng nổ của các mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở. Một ví dụ điển hình là Llama 2 của Meta, đang hợp tác với Microsoft, cho phép mọi người sử dụng mô hình này cho mục đích thương mại.
Thay vì sử dụng phiên bản độc quyền, giới hạn và trả phí mà OpenAI cung cấp, tại sao không chọn sử dụng Llama 2, một phiên bản mở và có khả năng tùy chỉnh? Một số người cho rằng, Llama 2 thậm chí có hiệu suất tốt hơn trong một số tình huống so với GPT. Theo Santiago, một nhà phát triển trí tuệ nhân tạo cho biết đã trò chuyện với hai công ty khởi nghiệp và cả hai đều đang chuyển từ các mô hình độc quyền sang Llama 2.
OpenAI có thể sẽ gặp rắc rối lớn trong thời gian tới, theo Firstpost. Cụ thể, trong nỗ lực trở thành người đi đầu làn sóng AI tổng hợp thông qua chatbot ChatGPT, công ty này đã tự đặt mình vào tình huống có thể phá sản.
Rõ ràng, OpenAI đang tốn khoảng 700.000 USD/ngày để chỉ vận hành một trong các dịch vụ AI của mình là ChatGPT. Đây được xem như một cách để Sam Altman đốt tiền, bất chấp việc OpenAI không tạo đủ doanh thu để hòa vốn.
Một điều thú vị khác là dù CEO Sam Altman không nắm giữ cổ phần tại OpenAI nhưng công ty đã chuyển từ mô hình phi lợi nhuận sang mô hình có lãi. Mặc dù Altman có thể không quan tâm đến lợi nhuận nhưng công ty thì lại khác. Mặc dù vậy, OpenAI vẫn chưa thực sự đạt được lãi và phải đang "gồng lỗ" trĩu vai. Vào tháng 5, tổng số lỗ của OpenAI đã tăng gấp đôi lên 540 triệu USD kể từ khi bắt đầu phát triển ChatGPT.
Sau khi xem xét khả năng sinh lời của OpenAI, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để bất kỳ công ty hàng đầu về AI nào thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Hơn nữa, một báo cáo của Investopedia cũng chỉ ra rằng phải mất ít nhất 10 năm hoạt động và 100 triệu USD doanh thu để các công ty IPO thành công.
Khoản đầu tư 10 tỷ USD của Microsoft vào OpenAI đang giúp công ty tồn tại. OpenAI dự kiến doanh thu hàng năm là 200 triệu USD vào năm 2023 và 1 tỷ USD vào năm 2024, song kế hoạch này dường như quá tham vọng nếu xét tới các khoản lỗ ngày càng phình to của OpenAI.
OpenAI hiện đang trải qua giai đoạn hưng thịnh nhờ cơn sốt AI. Công ty này không sa thải nhân viên như phần còn lại của ngành công nghệ, song lại đang chảy máu nhân tài bởi bị các đổi thủ cùng ngành giành giật.
Đúng là ChatGPT tiêu tốn 700.000 USD/ngày để vận hành. Chi phí này đều do Microsoft và các nhà đầu tư chi trả, song những người này cuối cùng có thể sẽ rỗng túi nếu không sớm thu được lợi nhuận.
Trước đây, người ta cho rằng cuộc đua trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) là giữa OpenAI và các đối thủ cạnh tranh lớn như Google hoặc Meta. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của xAI của Elon Musk, bức tranh đã thay đổi hoàn toàn. Musk đã thể hiện sự lạc quan trong việc thách thức OpenAI và xây dựng một chatbot cạnh tranh. Điều thú vị là ý tưởng về việc phát triển "TruthGPT" của Musk không xoay quanh chính trị như ChatGPT, điều này đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Elon Musk thậm chí đã đầu tư vào việc mua 10,000 GPU từ NVIDIA để phát triển chatbot.
Tuy nhiên, thách thức đối với OpenAI không chỉ đến từ các đối thủ cạnh tranh mà còn từ việc thiếu hụt GPU. Sam Altman - CEO của OpenAI, đã bày tỏ rằng tình trạng thiếu hụt GPU trên thị trường đã gây khó khăn cho việc đào tạo và cải tiến các mô hình GPT. Công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho "GPT-5", cho thấy sự quyết tâm trong việc đào tạo mô hình mới. Tuy nhiên, tình hình này đã gây ra tình trạng sụt giảm nghiêm trọng về chất lượng đầu ra của ChatGPT.
Theo trang Analyticsindiamag, nếu OpenAI không thể sớm thu thập được thêm nguồn tài trợ, công ty có thể phải đối mặt với khả năng phá sản vào cuối năm 2024. Sự cần thiết của việc mua thêm GPU NVIDIA sẽ được thể hiện trong quý hai của năm nay để bắt đầu đào tạo các mô hình mới. Trong thời gian chờ đợi này, cuộc cạnh tranh vẫn tiếp tục diễn ra, thiệt hại ngày càng gia tăng, số lượng người dùng tiếp tục giảm và các vụ kiện liên quan cũng tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng tổng thể và kinh tế của dự án này.
Trong thế giới hiện đại phụ thuộc mạnh mẽ vào công nghệ, việc OpenAI phá sản và ChatGPT ngưng hoạt động sẽ có tác động lớn đến hàng triệu người trên khắp thế giới đã dựa vào nền tảng này để tạo nội dung, thực hiện tư duy sáng tạo và giải quyết các vấn đề. ChatGPT ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, những chuyên gia nghiên cứu và những người khác sử dụng chatbot này để tạo ra nội dung chất lượng, tự động hóa quy trình công việc và thậm chí xây dựng các ứng dụng mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta tương tác với công nghệ thông tin hàng ngày. Ngoài ra, việc OpenAI phá sản cũng sẽ ảnh hưởng đến cả lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Minh Anh (T/h)