![]() |
CEO Apple - ông Tim Cook trong cuộc gặp với Chính phủ Việt Nam năm ngoái. |
Thay đổi chiến lược sản xuất toàn cầu
Giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Apple đang đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 1.5, CEO Apple Tim Cook công bố những thay đổi lớn trong chiến lược sản xuất của hãng. Theo đó, trong tương lai gần, phần lớn iPhone bán tại Mỹ sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, trong khi Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất xứ của gần như toàn bộ sản phẩm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods bán tại Mỹ.
Đây là động thái quan trọng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi vốn là trung tâm sản xuất lớn nhất của Apple trong nhiều năm qua. Kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nặng lên hàng hóa Trung Quốc - với mức thuế tổng cộng lên đến 145% và có thể khiến chi phí của Apple tăng thêm khoảng 900 triệu USD trong quý hiện tại - Apple đã buộc phải đẩy nhanh việc phân tán chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đáp trả bằng các biện pháp thuế quan mạnh tay, khiến rủi ro thương mại gia tăng đáng kể. CEO Tim Cook nhận định: “Chúng tôi có một chuỗi cung ứng phức tạp. Những gì chúng tôi học được là việc tập trung mọi thứ vào một địa điểm mang lại quá nhiều rủi ro”.
Ấn Độ và Việt Nam trở thành hai mắt xích chủ lực
Chỉ trong năm qua, Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá tới 22 tỷ USD tại Ấn Độ, tăng gần 60% so với năm trước. Theo Bloomberg, doanh số bán sản phẩm Apple tại Ấn Độ, chủ yếu là iPhone, đã đạt gần 8 tỷ USD trong năm tài chính 2024.
Apple cũng tăng tốc mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam. CEO Tim Cook khẳng định Việt Nam sẽ là quốc gia sản xuất chính các thiết bị không phải iPhone của hãng, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường Mỹ. Đồng thời, Apple đã bắt đầu xây dựng kho dự trữ nhằm hạn chế rủi ro gián đoạn khi vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc.
![]() |
CEO Tim Cook xác nhận đẩy mạnh iPad, Mac, Apple Watch sản xuất tại Việt Nam |
Bên cạnh những nỗ lực tái cấu trúc sản xuất, Apple cũng phải đối mặt với chi phí gia tăng. CEO Tim Cook cho biết kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD trong 4 năm tới để mở rộng hoạt động tại Mỹ sẽ khiến cả chi phí vốn và chi phí vận hành tăng lên đáng kể. Apple cũng đã giảm quy mô chương trình mua lại cổ phiếu, từ 110 tỷ USD xuống còn 100 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy Apple đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến thương mại toàn cầu”. Mặc dù quý I năm 2025, Apple báo cáo doanh thu 95,36 tỷ USD và lợi nhuận 24,78 tỷ USD – đều vượt kỳ vọng, nhưng cổ phiếu hãng vẫn giảm 4,3% do lo ngại thuế quan sẽ tác động tiêu cực tới biên lợi nhuận trong các quý tiếp theo.
Cụ thể, Apple dự đoán biên lợi nhuận gộp quý tài chính thứ ba (tháng 4 - 6) sẽ chỉ đạt từ 45,5% đến 46,5%, thấp hơn ước tính trung bình của các nhà phân tích. Dù vậy, chuyên gia Thomas Monteiro từ Investing nhận định Apple vẫn có “dư địa tài chính” lớn để thích ứng với biến động và duy trì tăng trưởng.
Việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc không phải là quyết định dễ dàng. Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là nơi sản xuất phần lớn sản phẩm của Apple dành cho các thị trường ngoài Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và bất ổn địa chính trị, Apple không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng một chuỗi cung ứng “đa cực”, đặt cơ sở tại nhiều quốc gia khác nhau.
Theo CEO Tim Cook, các cơ sở tại Mỹ cũng sẽ được đầu tư mạnh mẽ. Riêng trong năm qua, Apple đã chi 19 tỷ USD để mua chip từ các bang của Mỹ và lên kế hoạch mở rộng các nhà máy sản xuất chip trong nước.
Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng không chỉ giúp Apple giảm rủi ro từ căng thẳng địa chính trị mà còn mang lại cơ hội phát triển công nghiệp điện tử cho các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ - hai “cứ điểm” sản xuất mới của gã khổng lồ công nghệ trên thế giới.