Luân canh tôm - lúa bền vững ở Kiên Giang

14:03 26/02/2021

Việc chuyển đổi đất trồng lúa ven biển kém hiệu quả sang mô hình luân canh tôm - lúa bền vững là chủ trương đúng đắn của tỉnh và đang phát huy hiệu quả cao.

Từ nhiều năm qua, Kiên Giang luôn là tỉnh dẫn đầu về sản lượng lúa, cao nhất đạt trên 4,6 triệu tấn/năm. Sản xuất nông dân của tỉnh chiếm trên 70% dân số, lao động trong sản xuất nông nghiệp trên 50%. Trước xu thế tất yếu biến đổi khí hậu và nước biển dâng hiện nay, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ÐBSCL đã xác định: "Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi trọng nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế", những năm gần đây, tỉnh đã chuyển đổi hàng chục ngàn héc-ta đất lúa ven biển sang luân canh tôm - lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà còn khai thác được lợi thế của tỉnh ven biển, với bờ biển dài hơn 200km. Ðiển hình cho việc chuyển đổi này là các huyện vùng U Minh Thượng, biến vùng nông thôn khó khăn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế.

Mô hình tôm-lúa đã góp phần cải thiện đời sống người dân
Mô hình tôm-lúa đã góp phần cải thiện đời sống người dân.

Ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, cho biết: “Năm 2020, tỉnh có kế hoạch thả nuôi tôm nước lợ với diện tích 130.700ha, sản lượng thu hoạch là 85.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm lúa là 100.000ha, sản lượng 48.500 tấn. Tuy nhiên, nhờ tăng diện tích thả nuôi, cả năm đạt 134.235ha, cùng với việc áp dụng các mô hình nuôi tiên tiến, nên sản lượng tôm nuôi của tăng khá mạnh, ước đạt 92.490 tấn, gần gấp đôi so với kế hoạch, đây là mức tăng trưởng ấn tượng…”.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của mô hình tôm-lúa là hệ thống thuỷ lợi chưa được khép kín, nên mặn ngày càng cao và sâu vào nội đồng, nên hiện có khảong 12.000ha không thể thực hiện được mô hình tôm-lúa. Vấn đề thứ hai là sự chênh lệch lợi nhuận giữa tôm và lúa nên một số hộ dân tiếp tục thả nuôi tôm vụ 2 thay vì lấp lại bằng vụ lúa, gây nguy cơ mất tính bền vững của mô hình.

Ông Thao cũng cho biết, trong định hướng chung, mô hình tôm-lúa sẽ được tập trung đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất và giá trị tôm nuôi. Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành rà soát, kiểm tra để có thể bổ sung những diện tích bị ảnh hưởng mặn, năng suất lúa kém chuyên sang mô hình tôm-lúa và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi.

Theo định hướng phát triển, trong năm 2021, Kiên Giang tiếp tục chuyển đổi vùng sản xuất lúa phía Nam Quốc lộ 80 (thuộc huyện Hòn Đất và Kiên Lương) sang mô hình tôm lúa, diện tích dự kiến khoảng 20.000ha.

Trần Hà