TISCO là doanh nghiệp tên tuổi trong ngành thép tại Việt Nam, nhưng vài năm gần đây đang rơi vào khó khăn. Báo cáo cho thấy, năm 2020, TIS đạt 9.566 tỷ doanh thu, giảm 8,3% so với năm 2019. Lãi sau thuế giảm gần nửa xuống còn 19 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt hơn 17 tỷ đồng.
Sáng nay 12/4, cổ phiếu mã TIS của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO, mã chứng khoán TIS) tiếp tục bật tăng mạnh mẽ. Cụ thể, chốt ngày giao dịch, TIS đứng mức 10.600 đồng/cổ phiếu, tăng 2,91%, tương đương mỗi cổ phiếu tăng 300 đồng. Với hơn 284 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường của TISCO tăng thêm 85,2 tỷ đồng.
Việc giá cổ phiếu TIS được cho là theo xu thế chung của thị trường. Cụ thể, sắc xanh được duy trì suốt thời gian giao dịch của thị trường ngày 14/2, VN- Index bứt phá mạnh và kết phiên tăng 20,79 điểm lên 1.252,45 điểm. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE cũng đạt mức cao kỷ lục 19.983 tỷ đồng.
Đáng nói, mã TIS tăng trong ngày loạt cựu lãnh đạo của TISCO hầu toà khiến thị trường chú ý. Theo cáo trạng, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD, trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3,1 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu USD và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.
Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá.
Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C.
Ngoài ra, phần C bị chuyển từ hợp đồng trọn gói (không đổi giá trị) sang hợp đồng theo đơn giá (giá hợp đồng thay đổi theo thời gian). Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.
Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay gây thiệt hại 830 tỷ đồng. Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) được xác định phải chịu trách nhiệm chính về vụ án.
Linh Anh