Tính đến ngày 10/5, hệ thống kho bạc đã giải ngân hơn 116 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 17,7% kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là con số cao hơn cả về giá trị tuyệt đối và tương đối so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng vốn giải ngân trung bình tại các địa phương vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 316 dự án tại các địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%. Nhóm các tỉnh thành chậm giải ngân gồm Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Bình, và Bắc Kạn. Trong khi đó, các địa phương tồn đọng nhiều vốn bao gồm Hà Nội, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, và Phú Yên.
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính, cho biết: "Qua phân bổ chúng tôi nhận thấy một số địa phương chưa nghiêm túc trong việc thực hiện. Ví dụ, một số địa phương phân bổ không đúng nguyên tắc, tiêu chí hoặc không đúng thời gian quy định. Chúng tôi yêu cầu các địa phương này phải phân bổ đúng quy định hoặc báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tập trung báo cáo cấp thẩm quyền."
Việc công khai danh sách các dự án chưa giải ngân là cơ sở quan trọng để tính toán linh hoạt việc điều chuyển vốn. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Luôn luôn có tình trạng nơi thiếu, nơi thừa và rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để đảm bảo giải ngân hết số vốn, không được ôm tiền, giữ tiền."
Sự linh hoạt trong điều chỉnh vốn không chỉ diễn ra giữa các dự án, mà còn giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Nhiều địa phương đã chủ động dành một nguồn vốn nhất định để hoàn thiện các dự án dang dở.
Để đảm bảo không hồ sơ nào bị quá hạn thanh toán, Kho bạc Nhà nước Việt Nam hiện đang chỉ đạo toàn hệ thống tiếp tục hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến và nâng cao ý thức chấp hành công vụ nhằm rút ngắn quá trình đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế. Việc này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công sớm đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình Anh