Liệu DeepSeek có mua chip Nvidia từ các công ty ở Singapore? |
Giới chức Mỹ hiện đang điều tra xem liệu startup về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc DeepSeek có mua các bộ vi xử lý tiên tiến của hãng Nvidia thông qua bên thứ ba tại Singapore hay không. Đây được cho là hành động nhằm lách các lệnh hạn chế của Mỹ đối với việc mua bán chip phục vụ tác vụ AI.
Cụ thể, DeepSeek gần đây đã cho ra mắt chatbot R1, với một số tính năng có thể sánh ngang với các công cụ tương tự từ Mỹ, cho thấy Trung Quốc thực tế đang tiến xa hơn trong cuộc đua AI so với những dự đoán trước đây. Một số kỹ sư trong ngành đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước khả năng của R1, trong khi DeepSeek còn thể hiện sự vượt trội với chi phí thấp và hiệu suất cao của công cụ này, khiến các đối thủ đặt nghi vấn liệu nó có được xây dựng dựa trên công nghệ của phương Tây hay không.
Theo các nguồn tin chia sẻ với hãng Bloomberg, các quan chức tại Nhà Trắng và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tìm hiểu liệu DeepSeek có sử dụng các công ty trung gian tại Singapore để mua chip Nvidia – những sản phẩm đã bị Mỹ cấm bán cho Trung Quốc – hay không?
Người phát ngôn của Nvidia tuyên bố: "Chúng tôi yêu cầu các đối tác tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành, và nếu nhận được bất kỳ thông tin nào trái ngược, chúng tôi sẽ có hành động phù hợp". Trước đó, Nvidia cũng đã ra tuyên bố liên quan đến DeepSeek, cho rằng công ty Trung Quốc này không vi phạm các lệnh cấm của Mỹ.
Theo đó, chatbot R1, do DeepSeek có trụ sở tại Hàng Châu phát hành hồi đầu tháng này, có thể mô phỏng cách con người lập luận, đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với thị trường AI hiện do OpenAI và các công ty Mỹ thống trị.
Sự đột phá này đã làm dấy lên tranh luận về hiệu quả của các biện pháp hạn chế công nghệ mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc. Các quy định này, bao gồm danh sách cấm xuất khẩu nhiều loại chip và công cụ sản xuất chip, nhằm làm chậm quá trình phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc và ngăn Bắc Kinh tiếp cận được với AI phục vụ cho mục đích quân sự.
Dù vậy, DeepSeek hiện vẫn chưa công bố đầy đủ thông tin về các bộ vi xử lý AI được sử dụng để phát triển mô hình của mình. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu của công ty này cho biết mô hình V3 (ra mắt vào tháng trước) đã được huấn luyện trên 2.048 chip H800 của Nvidia. Đây là dòng chip Nvidia được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc, sau khi chính quyền của ông Joe Biden cấm nước này tiếp cận với một loạt các phiên bản mạnh hơn.
Đến tháng 10/2023, Mỹ tiếp tục cấm bán chip H800 và một số dòng chip Nvidia khác cho Trung Quốc, buộc Nvidia phải phát triển H20 (một phiên bản yếu hơn) để đáp ứng thị trường này. Theo Bloomberg, giới chức trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump hiện đang thảo luận về khả năng mở rộng lệnh cấm đối với cả chip H20, tiếp nối chính sách siết chặt kiểm soát bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ của ông Joe Biden.
Bên cạnh việc mở rộng danh sách các loại chip bị cấm bán cho Trung Quốc, Mỹ cũng đã tăng phạm vi địa lý của các quy định thương mại để bao phủ nhiều quốc gia hơn.
Cụ thể, hồi năm 2023, chính quyền của ông Biden đã áp đặt hạn chế đối với hơn 40 quốc gia mà giới chức lo ngại có thể trở thành trung gian để vận chuyển chip vào Trung Quốc, bao gồm hầu hết các nước Trung Đông và một số quốc gia Đông Nam Á – nhưng không có Singapore.
Đầu năm nay, chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục mở rộng quy định để kiểm soát hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ một số đồng minh thân cận của Mỹ. Đối với Singapore và hầu hết các nước khác, các lô hàng lớn cần có giấy phép, trong khi các lô hàng dưới khoảng 1.700 bộ vi xử lý thì chỉ cần thông báo.
Singapore chiếm khoảng 20% doanh thu của Nvidia, theo hồ sơ tài chính của công ty. Tuy nhiên, theo các tài liệu này, "phần lớn các lô hàng liên quan đến doanh thu từ Singapore thực tế được chuyển đến các địa điểm khác, và lượng hàng giao trực tiếp đến Singapore là không đáng kể".
Người phát ngôn của Nvidia khẳng định doanh thu từ Singapore không đồng nghĩa với việc có sự chuyển hướng hàng hóa sang Trung Quốc: "Hồ sơ công khai của chúng tôi phản ánh địa chỉ 'thanh toán' chứ không phải địa chỉ 'giao hàng' của khách hàng. Nhiều khách hàng của chúng tôi có pháp nhân kinh doanh tại Singapore và sử dụng các thực thể đó để phân phối sản phẩm đến Mỹ và phương Tây".
Hai nghị sĩ hàng đầu của Ủy ban chuyên trách về Trung Quốc tại Hạ viện Mỹ đã viện dẫn doanh thu của Nvidia từ Singapore trong một bức thư gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz vào thứ Tư (29/1): "Các quốc gia như Singapore cần phải chịu các yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt, trừ khi họ sẵn sàng kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu sang Trung Quốc".