Ngày 11/11 là Ngày lễ độc thân, một ngày lễ tự phát của giới trẻ Trung Quốc. Ngày lễ độc thân còn có nhiều tên gọi khác như “Ngày Quang Côn”, “Ngày Song Thập Nhất”... Nguyên nhân là do ngày 11/11 được viết bằng 4 nét gạch, trong tiếng Ả Rập tượng tưng cho 4 cây gậy, ám chỉ sự lẻ loi, cô đơn của những người độc thân.
Ngày lễ độc thân là một ngày lễ mua sắm phổ biến với người trẻ Trung Quốc nhằm tôn vinh niềm tự hào là người độc thân. “Gã khổng lồ” thương mại điện tử Taobao đã biến nó thành một lễ hội mua sắm lớn chưa từng có kể từ năm 2009.
Những năm gần đây, ngày 11/11 hàng năm được giới trẻ coi là ngày lễ độc thân, tuy nhiên nó cũng là “Ngày hội mua sắm” lớn nhất Châu Á, có thể sánh ngang với ngày Black Friday, Monday Cyber của các nước phương Tây. Rất nhiều nhãn hàng, trang thương mại điện tử… cũng nhân ngày này tổ chức ra những đợt sale “giá sốc”, các cửa hàng xả hàng, kích cầu mua sắm bằng loạt gói khuyến mại.
Lễ độc thân hàng năm thường là nơi mang về doanh thu lớn cho các nhà bán lẻ Trung Quốc, nhưng năm nay doanh số sụt giảm trầm trọng.
Các nhân tố ảnh hưởng
Chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính quyền
Sự giám sát gắt gao từ phía cơ quan chức năng đối với các công ty Internet tại Trung Quốc được coi là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt giảm doanh số bán hàng trong ngày 11/11 năm nay.
Alibaba - sàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, cũng là đơn vị phát động ngày hội này, tỏ ra đặc biệt thận trọng. Công ty do tỷ phú Jack Ma sáng lập đã trì hoãn các sự kiện mua sắm đến ngày 24/10, dường như để tránh Đại hội Đảng của Trung Quốc. Alibaba dự kiến mức tăng trưởng doanh thu sẽ chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. Thậm chí, Bloomberg Intelligence còn dự đoán sàn thương mại điện tử trên sẽ đối mặt với lần suy giảm giá trị giao dịch chưa từng có trong sự kiện năm nay.
Sự phát triển của ngành công nghiệp bán hàng livestream đã đi vào “làn ranh đỏ" mà chính phủ Trung Quốc đặt ra. Việc định hình văn hóa quốc gia và kiềm chế sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đang được các cơ quan ban ngành ưu tiên chú trọng.
Mặc dù bán lẻ tiêu dùng là thành phần quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, song nhiều lần Bắc Kinh cho thấy việc không hài lòng với chủ nghĩa tiêu dùng hoang phí, đồng thời cấm những người nổi tiếng khoe của trên mạng xã hội.
Theo Bloomberg, ngôi sao livestream nổi tiếng Viya đã làm dậy sóng dư luận khi “chốt đơn" thành công lượng đơn hàng lên tới 1 tỷ USD. Các sản phẩm, từ dầu gội đầu cho đến khăn quàng cổ, đều được cô bán hết sạch trong một buổi phát trực tiếp kéo dài 14 giờ trong khuôn khổ Lễ độc thân năm ngoái tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Viya sẽ không còn xuất hiện trong Lễ độc thân năm nay. Mọi thông tin về cô đã biến mất khỏi Internet kể từ khi nữ streamer 37 tuổi này nhận bản án trốn thuế. Sự vắng mặt của một loạt các “ông hoàng", “bà chúa" livestream bắt nguồn từ những chính sách kiểm soát nội dung ngày càng thắt chặt của chính quyền Trung Quốc. Điều này có thể khiến Lễ độc thân năm nay tại quốc gia tỷ dân sẽ không còn nhộn nhịp và sôi động như mọi khi.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi
Sự kiện 11/11 đã mở rộng từ một ngày giảm giá thành một chuỗi 3 tuần giảm giá, trong đó, người tiêu dùng được đặt cọc trước để đảm bảo có thể mua được hàng hoá với giá chiết khấu. Lượng đơn hàng thường đông nhất vào ngày 11/11.
Năm nay, từ ngày 1/11 đến ngày 7/11, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da - một trong những trụ cột doanh thu cho mùa mua sắm, lần lượt giảm 22,4% và 9,7% so với cùng kỳ năm trước trên sàn Tmall của Alibaba.
Theo Moojing Marketing Intelligence, một công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Bắc Kinh, ngành hàng thiết bị nhà bếp và quần áo trẻ em tăng khiêm tốn 7,1% và 3,5% trong khi thức ăn cho vật nuôi ghi nhận doanh thu tăng 30%.
Tác động từ dịch bệnh covid 19
Lễ độc thân năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với COVID-19, sử dụng các lệnh phong toả để ngăn chặn sự lây lan. Hàng chục thành phố đang thực hiện các mức độ phong toả khác nhau, khiến logistics bị gián đoạn.
Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội video ngắn như Douyin (tên khác của TikTok tại Trung Quốc) và Kuaishou đang lấy mất lượng khách hàng truyền thống của sàn thương mại điện tử. Một người bán ngũ cốc trên Taobao họ Chen, có doanh số bán hàng trong 12 tháng vượt quá 10 triệu nhân dân tệ, nói với tờ Nikkei rằng một số khách hàng của ông đã chuyển sang Douyin và Pinduoduo.
“Điều này đã khiến doanh số bán hàng trong lễ độc thân năm nay giảm 50% so với năm trước. Người tiêu dùng rõ ràng đã không còn mặn mà nữa”, ông nói.
D.A (Tổng hợp)