Lấy phiếu tín nhiệm chức danh - nhân tố đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng

00:49 31/05/2023

Đánh giá về việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhiều đại biểu cho rằng, đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

Tại kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Nghị quyết này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội.

Bàn về vấn đề này, nhiều đại biểu đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là việc có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện đối với vấn đề đánh giá và bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Theo đó, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để đánh giá cán bộ trong quá trình xem xét bổ nhiệm rồi quy hoạch, bổ nhiệm... Đây cũng là hoạt động tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đó, xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất có đủ năng lực, đủ uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý Nhà nước”.

Đồng quan điểm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp – Nguyễn Đình Quyền đánh giá: “Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ để chúng ta đánh giá rồi bố trí, sử dụng, quản lý, đào tạo và quy hoạch cán bộ... Đây là kênh rất là quan trọng, xuất phát từ cơ quan đại diện của cử tri và nhân dân đó là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Nghĩa là Quốc hội và Hội đồng nhân dân thay mặt nhân dân để đánh giá những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong bộ máy nhà nước để làm cơ sở cho các công tác cán bộ sau này”.

Có thể thấy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, giới thiệu ứng cử hoặc đề bạt bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ thực hiện tốt hơn nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời QH, HĐND giám sát thường xuyên và định kỳ. Và kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri biết, theo dõi và tham gia giám sát.

Việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Lá phiếu của đại biểu phải góp phần đánh giá chính xác mức độ tín nhiệm của Quốc hội, HĐND, của cử tri và nhân dân. Trong việc lấy phiếu tín nhiệm, cần phải tỏ rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, nhận xét, đánh giá các chức danh do Quốc hội HĐND bầu và phê chuẩn, cả về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác được giao lẫn trong đạo đức lối sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Trước đó, ngày 11/5/2023, tại phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85 của Quốc hội khóa XIII, về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Điểm mới là đã bổ sung quy định: Những người có tín nhiệm thấp, phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức-miễn nhiệm, hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ. Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa cho đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp", thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội-HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp", thì cơ quan có thẩm quyền sẽ trình Quốc hội, HĐND để tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất. 

Cho tới nay, Quốc hội đã 3 lần lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Lần đầu tiên là năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người. Năm 2014, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 2 với 50 người. Lần thứ 3 là tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh. Và theo dự kiến, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm lần tiếp theo tại kỳ họp 6 cuối năm nay.

Việc ông Phùng Xuân Nhạ, sau 4 năm lấy phiếu tín nhiệm và đạt tỷ lệ thấp, mới bị Ban Bí thư cảnh cáo, có thể từ những quy định lúc đó (kể cả Nghị quyết 85) không cụ thể về thời hạn và thời điểm thực hiện, mới dẫn đến việc chậm xử lý kết quả lấy tín nhiệm. Do đó, tại phiên thảo luận sáng 11/5/2023 về sửa đổi Nghị quyết này, Ban Công tác đại biểu đã bổ sung quy định, đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày, kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Trường hợp được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Linh Anh