Lào Cai tháo gỡ "điểm nghẽn" để phát triển kinh tế tập thể

16:30 17/07/2024

Bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ phát triển KTTT trên địa bàn.

Sáng 17/7, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế tập thể nhằm đánh giá tình hình hoạt động và động viên khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là các hợp tác xã (HTX), trong việc thi đua lao động, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các tổ chức tín dụng, và đại diện hơn 100 HTX trên địa bàn. Ngoài ra, còn có đại diện của một số ban, trung tâm trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam.

Lào Cai tháo gỡ
Lào Cai tháo gỡ "điểm nghẽn" để phát triển kinh tế tập thể.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Kinh tế tập thể (KTTT) là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Phát triển KTTT, với nòng cốt là các HTX, là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã khẳng định KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo để triển khai các nhiệm vụ phát triển KTTT trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 3/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực KTTT và HTX. Tỉnh thường xuyên quan tâm hỗ trợ khu vực KTTT về nguồn lực, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực. Nhờ đó, KTTT đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận rằng, so với yêu cầu thực tiễn và tiềm năng phát triển của tỉnh, kết quả phát triển KTTT và HTX còn khiêm tốn và nhiều hạn chế. Tốc độ tăng trưởng của KTTT còn chậm so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách tỉnh còn thấp, trung bình chỉ đạt 0,1% mỗi năm. Số lượng và quy mô của các HTX trên địa bàn còn nhỏ, hiệu quả hoạt động của phần lớn các HTX chưa cao, và nhiều HTX gặp khó khăn trong việc điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong sản xuất còn ít và chưa ổn định. Năng lực nội tại của các HTX, đặc biệt là về vốn, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, và trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu, khả năng mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án và các nguồn vốn tín dụng còn hạn chế.

Hiện nay, toàn tỉnh có 36 mô hình liên kết sản xuất, với 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân và 20 HTX tham gia liên kết với các HTX, hộ nông dân; quy mô liên kết ước đạt 11.575 ha với 12.328 hộ dân tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.283 tỷ đồng. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngọc Lợi