Lào Cai nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là nơi trung chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa thị trường Tây Nam, Trung Quốc (khoảng 190 triệu dân) với Việt Nam và các nước ASEAN. Đây là tuyến đường ngắn nhất (khoảng 854 km) để đi từ Côn Minh - Thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra đến cảng biển.
Với trên 182 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc (tiếp giáp 3 huyện: Kim Bình, Hà Khẩu, Mã Quan thuộc tỉnh Vân Nam); có 2 cặp cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt) và 2 cửa khẩu phụ, 7 lối mở với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng với hệ thống giao thông liên vùng gồm: Đường bộ cao tốc, đường sắt, đường thủy và tương lai gần có đường hàng không. Do có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng ở khu vực cửa khẩu.
Trong hơn 10 năm qua, có 134 dự án với tổng vốn trên 24.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho kết cấu hạ tầng tại Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, trong đó 128 dự án đi vào hoạt động, 6 dự án đang xây dựng và hoàn thiện thủ tục. Hiện nay, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có hệ thống kho hàng, bến bãi với tổng diện tích 265 ha; có 5 trung tâm logistics, tổng diện tích trên 286.000 m2, với các dịch vụ: khai hải quan; dịch vụ cho thuê kho, bãi; cung cấp dịch vụ vận tải và phân phối hàng hóa; dịch vụ thương mại, xuất - nhập khẩu; dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, hàng tạm nhập tái xuất, xếp dỡ hàng hóa, khai thác thiết bị...
Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn hằng năm duy trì trên 20% (năm 2021 đạt trên 3,2 tỷ USD), trong đó, tỷ trọng hàng nông sản chiếm khoảng 57% tổng giá trị hàng xuất khẩu. 7 tháng năm 2022, hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 1,207 tỷ USD, tỷ trọng hàng nông sản chiếm khoảng 30% tổng giá trị hàng xuất khẩu. Hiện nay, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đã vào giai đoạn hoạt động ổn định và nước ta đã kiểm soát được dịch Covid-19, vì vậy, dự báo kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Lào Cai trong thời gian tới sẽ tăng nhiều lần. Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 5 tỷ USD, đến năm 2030 sẽ đạt 10 tỷ USD.
Để phát triển kinh tế cửa khẩu cũng như phát huy lợi thế, những năm qua, tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và thủ tục thu nộp thuế điện tử. Cục Hải quan Lào Cai đã áp dụng Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS và Cơ chế một cửa quốc gia nhằm rút ngắn thời gian thông quan, đã tác động tích cực đến hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa.
Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Tỉnh Lào Cai luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đến với Lào Cai đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh. Thời gian tới, nhất là vào lúc cao điểm xuất khẩu nông sản, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thường xuyên đối thoại và phối hợp với các cấp chính quyền Vân Nam - Trung Quốc để hai bên cùng đưa ra cơ chế, chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa; cử cán bộ trực 24/24 giờ để đảm bảo lưu thông hàng hóa xuất - nhập khẩu; triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng tại cửa khẩu. Cụ thể: Dự án Xây dựng bãi đỗ xe xuất khẩu KB2; Dự án Bãi đỗ xe xuất - nhập khẩu hàng hóa trong Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành; Dự án Cải tạo, mở rộng nhà quản lý liên ngành tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai.
Bên cạnh đó, phân luồng, điều tiết, bố trí, sắp xếp hợp lý các xe chở hàng xuất khẩu tại các bến bãi trong cửa khẩu và trên các tuyến quốc lộ để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, trong đó, phân luồng ưu tiên cho mặt hàng hoa quả tươi. Đồng thời, chủ động giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kịp thời đưa ra các giải pháp, hướng dẫn và khuyến cáo nhằm tránh rủi ro, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp; kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành để có cơ chế quản lý, điều hành hoạt động xuất - nhập khẩu phù hợp hơn với thực tiễn. Xây dựng thí điểm Cổng dịch vụ công tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành một điểm dừng duy nhất (One Stop), đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu.
P.V