Trong năm 2021, CPI bình quân năm tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%, duy trì mức thấp đáng kể so với mặt bằng lạm phát chung của thế giới. Tuy nhiên lạm phát Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực tăng, khó có thể giữ ở mức thấp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bình thường mới.
Với lạm phát năm 2021 ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam duy trì mức lạm phát thấp đáng kể. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, lạm phát năm 2021 ở Việt Nam có yếu tố liên quan đến nhập khẩu lạm phát, thậm chí có thể được chuyển sang năm 2022. Lạm phát năm 2021 cũng không phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỉ giá hối đoái và chính sách tín dụng vì cung tiền vẫn được kiểm soát. Lạm phát cơ cấu, lĩnh vực cá biệt có dấu hiệu xuất hiện và sẽ tác động tới lạm phát năm 2022 khi CPI năm 2021 tăng thấp, song giá tài sản như chứng khoán, vàng và bất động sản lại tăng cao. Bên cạnh đó, lạm phát tâm lý đã xuất hiện từ cuối năm 2021 rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% nhất là khi tổng cầu tiêu dùng phục hồi kéo CPI đi lên. Trong thời gian tới, lạm phát Việt Nam đứng trước áp lực tăng vì nhiều lí do theo báo Doanh nghiệp và Hội nhập liệt kê ở dưới đây.
Đầu tiên, là áp lực lạm phát từ chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài. Kể từ khi thế giới đối diện đại dịch vào đầu năm 2020, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh để chống lại suy thoái kinh tế, trong đó có Việt Nam. Điển hình như nền kinh tế Mỹ, theo số liệu của FRED, tổng cung tiền tệ M2 từ 2020 đến hiện tại tăng hơn 40%. Với vị thế của đồng USD là đồng tiền dự trữ của thế giới, các nền kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng theo chính sách tiền tệ nới lỏng này, cái giá của duy trì tăng trưởng kinh tế và báo cáo tỉ lệ việc làm đẹp là lạm phát sẽ tăng cao, lạm phát ở Mỹ đang cao nhất trong vòng 42 năm trở lại đây.
Thứ hai, áp lực lạm phát có thể đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu do sự kết hợp của đại dịch và căng thẳng chính trị. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vẫn đang theo đuổi đường lối Zero covid, giãn cách xã hội và giới hạn giao thương có thể ảnh hưởng lạm phát giá hàng hóa. Trong khi đó, đụng độ quân sự giữa Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Các biện pháp trừng phạt cũng như cấm vận hàng không, đường biển gây thêm khó khan cho việc phân phối hàng hóa trên thế giới khi Nga là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đối với nhiều loại hàng hóa quan trọng như năng lượng, ngũ cốc và kim loại. Giá dầu Brent thế giới đã tăng khoảng 40% kể từ đầu năm 2022 lên quanh mức 110-130 USD/thùng và thậm chí theo nhiều nhà kinh tế học, giá dầu Brent có thể vượt mốc 150 USD/thùng, thậm chí lên tới 300 USD/thùng trong kịch bản xấu nhất Nga cảnh báo nếu phương Tây cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Tương tự, giá thực phẩm thế giới cũng chịu nhiều áp lực tăng giá do nguồn cung nông sản và phân bón bị thắt chặt. Giá lúa mỳ đã tăng gần 40% so với cuối năm ngoái, trong khi giá ngô và đậu tương cũng đã tăng khoảng 25%. Việc giá hàng hóa tăng mạnh gây tác động trực tiếp lên giá cả tiêu dùng, cũng như gián tiếp gây ra áp lực lạm phát do khiến chi phí sản xuất ngày càng gia tăng. Trong khi giá năng lượng được xem là yếu tố lạm phát có tính tạm thời, lạm phát đã có dấu hiệu tăng mạnh hơn ở các cấu phần cơ bản như nhà ở, dịch vụ, một dấu hiệu cho thấy tình trạng lạm phát cao sẽ dai dẳng hơn. CPI Việt Nam phụ thuộc nhiều vào mảng hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chiếm tới 33,56%, với điều kiện giá phân bón đang đạt đỉnh mọi thời đại và giá thức ăn chăn nuôi cũng đang xu hướng tăng, lạm phát có khả năng tăng mạnh khi giá nông sản và thịt lợn tăng trở lại (khi giảm mạnh vào 2021 do dịch tả lợn được khống chế).
Cuối cùng, là nhu cầu về nguồn cung tăng khi dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản đã được khống chế. Với tỉ lệ tiêm chủng đạt mức cao, Việt Nam đã thay đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 từ việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt sang chiến lược thích ứng an toàn. Chính phủ đã mở cửa lại du lịch cũng như gỡ bỏ các giới hạn trong các lĩnh vực ăn uống, vui chơi khi nền kinh tế tiến đến trạng thái bình thường mới. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao trong thời gian tới cũng tạo áp lực lạm phát tăng.
Hương Dung