Năm 2023, Quốc hội “quyết” CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. Theo Bộ Tài chính, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2023 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý, khi điều kiện cho phép; đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trình Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Trước mắt, Ban Chỉ đạo điều hành giá tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023.
Theo báo cáo của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo, năm 2023 có nhiều áp lực lên mặt bằng giá đến từ thế giới và cả trong nước.
Nhiều yếu tố sẽ là áp lực lên mặt bằng giá năm 2023 được nhóm giúp việc dự báo, như: Sau 3 năm chưa điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ nhóm này theo thị trường tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2023 đối với một số dịch vụ công (dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục…). Sau thời điểm tăng lương cơ bản (từ tháng 7/2023) dự báo giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể tăng. Đặc biệt, lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I/2023 do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2023…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố dự báo sẽ hỗ trợ giúp ổn định mặt bằng giá, như: Nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu nên dự báo giá cả ổn định. Chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu dự kiến có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2023. Sự kiên định trong kiểm soát lạm phát của Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục giúp neo giữ kỳ vọng lạm phát và hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Như thường lệ, báo cáo của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo cũng đưa ra 3 kịch bản lạm phát năm 2023. Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,2% so với năm 2022: trong trường hợp giá xăng dầu giảm 5%, giá gas tăng 2%, giá lương thực thực phẩm tăng 3%, giá điện tăng khoảng 5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 15%, giá dịch vụ y tế tăng 4%...
Kịch bản 2, CPI bình quân tăng khoảng 4,55% so với năm 2022: Trong trường hợp giá xăng dầu giữ ổn định, giá gas tăng 3%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 7%, giá dịch vụ giáo dục tăng 18%, giá dịch vụ y tế tăng 6%...
Ở kịch bản thứ 3, giả định giá xăng dầu tăng 3%, giá gas tăng 4%, giá lương thực thực phẩm tăng 5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá dịch vụ giáo dục tăng 20%, giá dịch vụ y tế tăng 6%..., thì dự báo CPI bình quân tăng cao hơn mục tiêu đề ra, khoảng 4,98% so với năm 2022.
Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI năm 2023 tăng khoảng 4,2 - 4,98%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 4,4 - 4,8%, trong đó, có giả định giá xăng dầu ổn định tại 3 kịch bản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng khoảng 4,3% (cộng trừ khoảng 0,5%).
Bộ Tài chính cho rằng, giả định năm 2023 nếu CPI mỗi tháng so với tháng trước tăng với tỷ lệ đều nhau thì CPI mỗi tháng có dư địa tăng khoảng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%.
P.V