Hàng loạt các báo trong nước và thế giới đã đưa tin, bài về vụ tai nạn này. Tạp chí Than VN (khi đó do ông Đoàn Văn Kiển, Tổng Giám đốc Tổng Công ty than kiêm Tổng Biên tập) đã chỉ đạo ra số đặc biệt, nêu diễn biến, nguyên nhân và giải pháp khắc phục hậu quả…Vì lý do an toàn sau sự cố nổ khí Metan (CH4) nên không một phóng viên cơ quan báo chí nào được xuống tác nghiệp tại hiện trường, duy chỉ có tôi và anh Phùng Quang Cần, nguyên phóng viên Thông tấn xã VN, Trưởng ban Thi đua Văn hóa, tuyên truyền Tổng Công ty Than VN khi đó, với tư cách là phóng viên “báo nhà”, được phép cùng các đồng chí Lãnh đạo TCT xuống lò kiểm tra, xem xét và trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Chúng tôi đã có hàng tuần được “ba cùng” với lực lượng cấp cứu mỏ, ban chỉ đạo Tổng công ty, mỏ than Mạo Khê không kể ca kíp, giờ giấc, được chứng kiến và trực tiếp ghi lại không khí nặng nề, lo lắng trên gương mặt mọi người, bao trùm cả vùng mỏ Mao Khê trong những ngày Đông giá lạnh khắc nghiệt, có lúc xuống dưới 10 độ C. Hình ảnh những đoàn quân vội vã, hối hả của lực lượng cấp cứu mỏ than Mạo Khê, Trung tâm cấp cứu mỏ Tổng Công ty Than Việt Nam trong quá trình cứu hộ cứu nạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Tổng Công ty Than VN, những hình ảnh xúc động về buổi Lễ truy điệu 19 thợ mỏ hy sinh, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ban, bộ ngành trung ương, các địa phương, các tổng công ty, các doanh nghiệp trong cả nước đến chia buồn, thăm hỏi…Đặc biệt là sự chia sẻ về tinh thần và vật chất của thợ mỏ, các công ty thành viên trong Tổng Công ty, nghĩa tình cao đẹp của đồng bào cả nước với tổn thất to lớn của Tổng Công ty Than Việt Nam.
Tôi không có ý muốn nhắc lại quá khứ đau buồn của ngành Than, nhưng đó là kỷ niệm đã hằn sâu trong ký ức, những giá trị cao đẹp về tình yêu thương đồng đội, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của đội ngũ “Làm than như quân đội đánh giặc”, của tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh, ý chí của thợ mỏ hôm nay.
Nhân kỷ niệm 96 năm, ngày Báo chí cách mạng (21/6/1925 – 21/6/2021) xin được chia sẻ một kỷ niệm đặc biệt này, như một nén tâm hương tri ân những thợ mỏ đã hy sinh về sự nghiệp sản xuất than.
Bảo Ngọc