Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV : Đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin được các đại biểu tỉnh Lâm Đồng đưa ra thảo luận tại tổ

11:05 22/10/2021

Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, toàn ngành du lịch có hàng chục ngàn nhân viên, riêng hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú có đến hơn 18.500 lao động có nhu cầu tiêm vaccine.

Mặc dù tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực phân bổ ưu tiên nguồn tiêm vaccine cho ngành du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng đến nay cũng chỉ mới tiêm được mũi 1; nên hiện vẫn chưa đủ điều kiện để hoạt động, phục vụ du khách.

“Chúng tôi đã đi khảo sát các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch và hết sức chia sẻ với các đơn vị trong thời gian qua. Nhất là tại Đà Lạt, khi mà doanh thu ngành dịch vụ du lịch chiếm tới 79% nhưng đã đóng cửa gần cả năm nay. Đối với tiêm vaccine, hiện lực lượng làm du lịch từ Đà Lạt cho đến Cát Tiên đều đã được tiêm nhưng chỉ với 1 mũi. Tôi đã kiến nghị với Ban chỉ đạo cũng như UBND tỉnh sẽ ưu tiên tiêm sớm nhất cho ngành du lịch để có đủ điều kiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho tất cả các đơn vị du lịch trong thời gian tới”- ông Vân cho biết.

Đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin cũng là vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia thảo luận tại tổ sáng ngày 21/10, trong chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, về  giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, … và một số nội dung quan trọng khác.

Theo đại biểu Trần Đình Văn, năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của nước ta nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa kiềm chế, không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn, vừa đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng với tinh thần “hiệu quả trên hết”.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn tham gia ý kiến tại tổ

Theo thống kê, tính tới ngày 15/10/2021, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh tiêm chủng đạt 79,1% (trong đó, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin đạt 9,24%, tiêm 1 mũi đạt 69,9%); dự kiến trong tháng 11/2021 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân trên 18 tuổi. Cử tri khẩn thiết đề nghị Chính phủ đẩy mạnh độ phủ vắc xin; vì nếu cứ để tình trạng chênh lệch về độ phủ vắc xin của các địa phương trong cả nước, cộng với nguồn lực y tế của từng địa phương trong tình hình hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng bất cập trong tiến trình bình thường hóa các hoạt động xã hội và sống chung với dịch, độ vênh và bất cập trong việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ thực sự khó khăn. Để đạt được độ phủ vắc xin như trên, Chính phủ cần hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ, cấp phép khẩn cấp đối với vắc-xin trong nước phù hợp với quy định của pháp luật; sớm triển khai việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, nghiên cứu phương án tiêm mũi tăng cường, sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường với những giải pháp sống chung với dịch.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh phát biểu

Tham gia ý kiến liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, nước ta cần quan tâm triển khai các mô hình phòng, chống và thích ứng với dịch COVID-19 như một số nước trên thế giới đã triển khai, đảm bảo phù hợp với tình hình của các địa phương. Đại biểu cũng đánh giá cao Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là rất hợp lý, kịp thời, khoa học, tiếp thu hợp lý kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị, Chính phủ cần ban hành kế hoạch xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm về việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19. Trong đó, nghiên cứu cơ chế, đề nghị chuyển giao công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất vắc xin từ các nước tiên tiến.

Diệu Hồng