Trong 6 tháng đầu năm, đại diện ADB đánh giá, nền kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.
Cụ thể, quý II có mức tăng trưởng GDP đạt 7,7% và đạt mức tăng bình quân 6,4% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 dù vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.
Chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4,0% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á vào tháng 4-2022. Bên cạnh đó, du lịch trong nước phục hồi kéo theo các dịch vụ liên quan đến du lịch tăng 7% trong 6 tháng đầu năm. Kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng lên mức 9,5% so với 9,1% cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều so với trước đại dịch.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế được phục hồi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp; số doanh nghiệp quay trở lại làm ăn cũng tăng mạnh...
Tuy nhiên, việc suy thoái kinh tế toàn cầu còn có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn dự báo, điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Theo phân tích của ADB, cầu trên thị trường thế giới yếu hơn khiến xuất khẩu chậm lại. Tiền đồng giảm giá làm giá trị hàng nhập khẩu đắt hơn hàng xuất khẩu, dự kiến dẫn đến thâm hụt thương mại trong năm nay.
Ngọc Phi (tổng hợp)