Từ ngày 23 - 25/11, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia kết hợp với Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 (TECHFEST - WHISE 2023) với mục tiêu thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, đồng thời nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở với sự tham gia của chính quyền, các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để giải quyết các thách thức mới về kinh tế, xã hội, môi trường của quốc gia và toàn cầu.
TECHFEST - WHISE 2023 là sự kiện thường niên lớn nhất nhằm mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, đối tác, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, chia sẻ kiến thức cho các sáng lập viên giúp cho các doanh nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy kinh tế. TECHFEST - WHISE 2023 hướng tới thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở với sự tham gia của mạng lưới doanh nghiệp lớn; cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển sản phẩm từ khai thác tài nguyên bản địa; các giải pháp về an ninh lương thực toàn cầu, nền tảng logistic phục vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các công nghệ về năng lượng mới đảm bảo phát triển bền vững. Từ đó nâng tầm Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung hội nhập quốc tế.
Chiều 24/11, trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn - Đổi mới sáng tạo và nhu cầu của doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi tài chính, công nghệ xanh" nhằm hỗ trợ và kết nối các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp trao đổi với các chuyên gia thực tế, các nhà làm chính sách, các nhà nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực thích nghi và cạnh tranh trước những xu hướng công nghệ mới và thách thức của nền kinh tế toàn cầu, hướng đến phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng dụng công nghệ tài chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 chuyên gia và đại diện các Làng, đại diện các tập đoàn, các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp SMEs, các công ty khởi nghiệp, cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Với sự tham dự của 30 diễn giả, 1 tọa đàm, 3 bài thuyết trình và 1 cuộc đối thoại cập nhật bức tranh kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh ở Việt Nam năm 2023, thảo luận các giải pháp chuyển đổi xanh ở Việt Nam, đồng thời gợi mở những cơ hội tiềm năng trong nền kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả, hoạt động sản xuất, bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Lê Toàn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) đánh giá, trong nền kinh tế hiện tại, chuyển đổi xanh là điều tất yếu, có rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít khó khăn về công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và cần phải có giải pháp để giải quyết vấn đề đó. Ông tin rằng, hơn 150 chuyên gia có mặt tại hội thảo sẽ tìm được câu trả lời và phương thức tối ưu để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng sức mạnh của doanh nghiệp đến từ tầm nhìn của người lãnh đạo, nhất là trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, đưa ra những thách thức lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Sự kiện lần này được coi là một dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy tư duy và hành động của các lãnh đạo doanh nghiệp về kinh tế xanh - một lĩnh vực ngày càng nhận được sự quan tâm to lớn đến từ cộng đồng doanh nghiệp lẫn các cơ quan Chính phủ.
Một điểm nhấn của hội thảo là việc thảo luận về mô hình kinh tế tuần hoàn. Các phiên họp đã xem xét cách thức doanh nghiệp có thể chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang một mô hình kinh tế tuần hoàn, nơi nguồn lực được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn. Các chủ đề như ứng dụng IOT, ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc và giảm thiểu chất thải đã được đưa ra thảo luận, cùng với việc xem xét những thách thức và cơ hội mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi triển khai mô hình này.
Hội thảo cũng chú trọng vào khía cạnh phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các phiên thảo luận đã xem xét cách thức mà các doanh nghiệp có thể đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc áp dụng các giải pháp công nghệ xanh và thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Một trong những mục tiêu chính của hội thảo là thúc đẩy sự hợp tác đa ngành và đổi mới sáng tạo. Sự kiện đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà khoa học và Chính phủ gặp gỡ và thảo luận về cách thức hợp tác để tạo ra giải pháp công nghệ xanh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Sự kiện đã khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác liên ngành trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến môi trường và kinh tế.
Vân Nguyễn