Kiến thức cơ bản và quy định của pháp luật về nghề kế toán

04:45 26/01/2021

Không phải bất kỳ ai có trình độ, kỹ năng cũng được làm kế toán viên. Để trở thành một kế toán viên xuất sắc đòi hỏi bạn phải hội tụ đủ các điều kiện pháp luật quy định, đồng thời phải có quá trình rèn luyện, nỗ lực hết mình.

Những kiến thức cơ bản

Có thể hiểu kế toán là nghề thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản và sự vận động của tài sản trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc ra các quyết định về kinh tế–xã hội và đánh giá hiệu quả của các hoạt động của doanh nghiệp.

Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình

Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. (Ảnh: minh họa)

Bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận kế toán. Cơ hội việc làm cho nghề kế toán luôn rất rộng mở. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí như kế toán viên, kiểm toán viên, kê khai thuế, chuyên viên tư vấn tài chính…

Điều 51 Luật Kế toán 2015 quy định về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán: Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán; Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán; Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Khi thay đổi người làm kế toán, người làm kế toán cũ có trách nhiệm bàn giao công việc kế toán và tài liệu kế toán cho người làm kế toán mới. Người làm kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán.

Ở những vị trí, cấp bậc khác nhau, người làm kế toán sẽ đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau. Về cơ bản, công việc của một kế toán viên bao gồm những hoạt động sau đây: Thực hiện ghi chép các hoạt động tài chính, kiểm tra sổ sách kế toán; lập chứng từ về tất cả các hoạt động tài chính liên quan; xử lý các dữ liệu kế toán để lập báo cáo về tình hình hoạt động tài chính của doanh nghiệp lên cho ban lãnh đạo; phân tích tình hình tài chính, ngân sách, chi phí, doanh thu của công ty, tham mưu cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Các cấp bậc của nghề kế toán

Để trở thành một kế toán viên xuất sắc đòi hỏi bạn phải hội tụ đủ các điều kiện pháp luật quy định, đồng thời phải có quá trình rèn luyện gian khổ, nỗ lực hết mình. Hành trang cần thiết với nghề kế toán là đức tính trung thực, khách quan, chăm chỉ, cẩn thận và tỉ mỉ. Không chỉ có thế, bạn cần rèn luyện thêm khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp, kỹ năng tin học, và kỹ năng ngoại ngữ.

Không phải bất kỳ ai có trình độ, kỹ năng cũng được làm kế toán viên

Để trở thành một kế toán viên xuất sắc đòi hỏi bạn phải hội tụ đủ các điều kiện pháp luật quy định (Ảnh: minh họa)

Lộ trình thăng tiến thông thường của một nhân viên kế toán sẽ trải qua những cấp bậc sau đây:

Kế toán viên: sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể ứng tuyển vào các bộ phận kế toán của các công ty, doanh nghiệp. Ở giai đoạn này, vì còn thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn còn yếu nên đảm nhiệm ở một mảng nhất định như kế toán kho, kế toán thanh toán… sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn. Bạn có thể tham gia thêm các khóa học nghiệp vụ kế toán nâng cao để bổ trợ thêm kiến thức cho mình.

Kế toán tổng hợp: ở cấp bậc này bạn đã có kinh nghiệm làm việc từ 2 đến 3 năm, có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng tổng hợp bao quát các hoạt động kế toán của doanh nghiệp, có thể phối hợp số liệu từ các bộ phận để lập ra báo cáo tài chính.

Kế toán trưởng: là người đứng đầu bộ phận kế toán nói chung của một doanh nghiệp, là người hướng dẫn, chỉ đạo công việc của các kiểm toán viên sao cho hợp lý nhất và làm nhiệm vụ tham mưu cho ban lãnh đạo về tài chính, kế toán của doanh nghiệp. Đây có thể được coi là vị trí cao nhất của một người làm nghề kế toán.

04 trường hợp không được làm kế toán

Điều 52 Luật Kế toán 2015 và Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kế toán thì có 04 trường hợp nêu sau không được làm kế toán.

Một là, người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hai là, người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.

Ba là, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là, người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với việc quy định như trên sẽ đảm bảo người làm kế toán có đủ năng lực nhân thức, đạo đức để hoàn thành tốt công việc; tạo sự minh bạch, tránh tiêu cực trong doanh nghiệp.

Trần Linh