Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: Diện tích quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh trên 79.889 hecta, chiếm 12,58% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó rừng đặc dụng là 39.709 hecta; rừng phòng hộ trên 32.000 hecta và rừng sản xuất là trên 8.114 hecta. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp phân bố trên 9/15 huyện, thành phố và đã được giao cho các chủ thể quản lý, gồm 2 Vườn quốc gia, 2 Ban quản lý rừng, nông lâm trường… Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCC rừng được các cơ quan chuyên môn, chủ rừng, địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả khá cao. Độ che phủ rừng của tỉnh tăng từ 8,58% năm 2015 lên 12% năm 2020.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nắng nóng và đang là cao điểm mùa khô nên nhiều diện tích rừng của Kiên Giang đang ở cấp cháy cục kỳ nguy hiểm (cấp 4, cấp 5). Nhất là đối với diện tích rừng sản xuất, tràm trên đất than bùn, rừng ở các đảo Phú Quốc, Kiên Hải…Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 6 vụ cháy trên đất lâm nghiệp, chủ yếu là hiện trạng đồng cỏ, tràm tái sinh rải rác, tổng diện tích cháy là 8,9 ha.
Để chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô, các chủ rừng đã bơm 2,8 triệu m3 nước bổ sung vào các khu rừng tràm ở các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất, Giang Thành. Đồng thời, cày ủi, phát dọn đường băng cản lửa với diện tích hàng trăm ha, dọn thực vật mặt kênh hơn 200 km. Kiện toàn ban chỉ đạo và lực lượng PCCC rừng các cấp. Bố trí 810 lực lượng/125 trạm, chốt trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, sẵn sàng trang thiết bị, lực lượng ứng trực theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cũng theo ông Dũng, với khoảng 80 km bờ biển đang bị sạt lở, kéo theo là cả 100 km đê biển và hàng ngàn ha rừng phòng ven biển bị cuốn trôi. Sạt lở đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, sinh kế của người dân ven biển. Trong 80 km bờ biển đang bị sạt lở nghiệm trọng thì đã có một số khu vực được thực hiện kè bằng cọc bê tông hai hàng, thả đá hộc ở giữa để phá sóng, tạo bãi bồi phát triển rừng. Cụ thể như khu vực Mũi Rãnh (huyện An Biên), khu vực Xẻo Nhàu, vàm Kim Quy – Tiểu Dừa (huyện An Minh), với tổng chiều dài là 30 km đê kè. Hiện tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển rừng bền vững, phát triển rừng kết hợp với du lịch sinh thái. Về bảo vệ rừng, hiện có 2 nhiệm vụ chính là chống lấn chiếm diện tích đất rừng, phá rừng và phòng chống cháy rừng.
Tại buổi làm việc, Kiên Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh nguồn vốn để triển khai 50 km kè bờ biển còn lại để bảo vệ đê, tạo bãi để phát triển rừng phòng hộ, với kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự nỗ lực, chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCC và triển khai thực hiện các dự án lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thứ trưởng đề nghị, các ngành chức năng giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng trái quy định và đồng tình cao với các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng mà tỉnh đã đề ra. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, công tác bảo vệ và phát triển rừng là hết sức quan trọng, rừng không chỉ trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, phát triển nông nghiệp, thủy sản… Vì vậy, Kiên Giang cần tập trung khôi phục, phục hồi rừng ven biển, làm kè, tạo bãi để trồng rừng ngập mặn ven biển, bảo vệ đê biển. Cùng với đó là trồng cây phân tán, tập trung trồng ở các khu đô thị, các khu công nghiệp và các tuyến đường giao thông. Cây trồng phải là cây lâu năm, cây có tán để tạo bóng mát, điều tiết khí hậu và tạo cảnh quan môi trường.
Hiện đang là cao điểm mùa khô nên phải tập trung cho công tác phòng chống cháy rừng, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời khi có cháy xảy ra, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.