Kiên Giang: Tập trung phát triển du lịch biển, đảo

13:48 25/02/2021

Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo, thời gian qua, Kiên Giang thu hút nhiều nhà đầu tư vào loại hình du lịch này. Nhờ vậy du lịch biển, đảo Kiên Giang đang trở thành thương hiệu, sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Kiên Giang có 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ; trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống. Hệ thống đảo, quần đảo của tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và những bãi tắm đẹp cùng với rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nguyên sinh... Bên cạnh tiềm năng du lịch, hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch ven biển cũng không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, du lịch biển, đảo đã và đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh, góp phần đưa du lịch Kiên Giang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian qua, Kiên Giang hoàn thành, phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch biển, đảo. Cảng biển, sân bay, hạ tầng du lịch vùng ven biển, hải đảo được đầu tư phát triển. Một số dự án du lịch quy mô lớn đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác phục vụ khách du lịch… Nhờ vậy, giai đoạn 2016-2020, du lịch phát triển khá mạnh, thu hút trên 28,2 triệu lượt khách.

Kiên Giang
Kiên Giang có nhiều lợi thể để phát triển du lịch biển, đảo.

Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc cho biết, thời gian qua, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến huyện đảo ngày càng tăng cao nhờ có các dự án của nhiều nhà đầu tư lớn, đầu tư quần thể khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí… Ngoài ra, việc mở nhiều đường bay quốc tế, nội địa cũng góp phần thu hút đông du khách đến đảo ngọc. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi du lịch phát huy hiệu quả. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch được chú trọng đã tạo diện mạo mới cho Phú Quốc trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư trong, ngoài nước. 

Với những tiềm năng, lợi thế, ngành du lịch Kiên Giang phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với tài nguyên du lịch biển và các đảo là loại hình được tỉnh ưu tiên hàng đầu kêu gọi thu hút đầu tư và tập trung phát triển. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế biển trở thành thế mạnh của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ biển, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển: TP. Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, TP. Rạch Giá. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế… Song song đó, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, kết nối với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế để Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.

Theo ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch, thời gian qua, Kiên Giang ký kết nhiều chương trình hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành trong cả nước trên nhiều lĩnh vực: Quảng bá xúc tiến du lịch, liên kết hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức các sự kiện để thu hút du khách đến với Kiên Giang… Phát triển du lịch biển, đảo là một trong những sản phẩm du lịch chính của tỉnh nên thời gian qua được ngành du lịch rất quan tâm. Ngoài đảo ngọc Phú Quốc đã có thương hiệu, tỉnh đã công nhận quần đảo Nam Du, xã đảo Lại Sơn (Kiên Hải) và quần đảo Hải Tặc (TP. Hà Tiên) là các khu du lịch địa phương. Có thể nói đây chính là động lực để các địa phương cùng ngành du lịch tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển du lịch tỉnh nhà trong thời gian tới.

Trung Hiếu