Kiên Giang: Sơ kết thực hiện phân cấp quản lý hoạt động khai thác thủy sản giai đoạn 2017 - 2020

09:20 14/06/2021

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện phân cấp quản lý hoạt động khai thác thủy sản giai đoạn 2017 - 2020, triển khai kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác hải sản khá phát triển. Tính đến quý I/2020, toàn tỉnh có 9.879 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên. Tàu cá Kiên Giang hoạt động thuộc 05 nhóm nghề chính như lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản, 02 họ nghề chiếm tỷ lệ lớn là nghề lưới rê và lưới kéo. Số lượng tàu lưới rê là trên 3.200 tàu; số lượng tàu lưới kéo là trên 3.130 tàu trong tổng số tàu cá của tỉnh.

Năng suất của các tàu cá ở tỉnh Kiên Giang tăng trong giai đoạn 2017-2020
Năng suất của các tàu cá ở tỉnh Kiên Giang tăng trong giai đoạn 2017-2020.

Những năm gần đây, số lượng tàu cá tỉnh Kiên Giang giảm về số lượng nhưng tăng về công suất. Năm 2017, toàn tỉnh có 10.740 tàu cá với tổng công suất 2.656.429 cv, bình quân 247 cv/tàu, đến hết năm 2020 tỉnh có 9.880 tàu cá với tổng công suất là 2.816.263 cv, bình quân 285 cv/tàu. Số lượng tàu cá giảm bình quân 2.25%/năm phù hợp với định hướng không phát triển tàu cá của tỉnh, nhưng về công suất trong giai đoạn 2017 - 2020 tăng bình quân 1.4%/năm, đặc biệt là ở nhóm tàu có công suất lớn hơn 400 mã lực trở lên, góp phần tăng khả năng khai thác hải sản xa bờ, phù hợp với chủ trương của ngành và của Chính phủ về đầu tư tàu có công suất lớn khai thác hải sản xa bờ. Từ đó, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác hải sản, hàng năm sản lượng khai thác hải sản của tỉnh chiếm khoảng trên 15% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trung bình trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, đạt trên 577.496 tấn/năm, năng suất trên một đơn vị khai thác trong giai đoạn 2017 - 2019 tăng bình quân 1,33%/năm. Tuy nhiên, với sản lượng khai thác hải sản của tỉnh năm 2020 đạt trên 572.000 tấn, tăng 15,6% so với kế hoạch nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019. Qua đó, cho thấy công suất bình quân trên 01 đơn vị tàu cá tăng nhưng sản lượng khai thác giảm chứng tỏ nguồn lợi hải sản đang suy giảm.

Những năm qua, nhằm quản lý tốt các hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, đồng thời thực hiện các giải pháp về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định khai thác IUU, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU các quy chế, kế hoạch phối hợp với các lực lượng chức năng như Biên Phòng, Hải Quân vùng 5, Cảnh sát biển vùng 4, Kiểm ngư vùng 5… và UBND các huyện, thành phố để tăng cường công tác thực thi pháp luật trên biển.

Theo nội dung 02 Quyết định, Sở Nông nghiệp và PTNT được giao quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng lộng và quản lý công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; UBND các huyện, thành phố được giao quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và thực hiện quản lý đăng ký, đăng kiểm theo phân cấp và thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 đã chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất sang chiều dài. Từ năm 2017 đến năm 2020, qua 226 đợt tuần tra trên biển đã kiểm tra 2.210 lượt phương tiện, lập biển bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1.929 trường hợp với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 38,6 tỷ đồng. Trong 04 tháng đầu năm 2021, qua 18 đợt tuần tra trên biển đã kiểm tra 109 lượt phương tiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 26 vụ với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 560 triệu đồng.

Để quản lý khai thác hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn yêu cầu các ngành, các cơ quan có liên quan, các địa phương quyết liệt quan tâm hơn nữa công tác này, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật thủy sản, các quy định về khi thác IUU đến cộng đồng và đến các cơ sở giáo dục; đảm bảo hệ thống quản lý nghề cá từ tỉnh đến cơ sở đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành chống khai thác IUU; nâng cao nguồn năng lực và năng lực Thanh tra chuyên ngành thủy sản đủ khả năng thực thi pháp luật; tăng cường công tác quốc tế về công tác bảo vệ và phát triển nguồi lợi thủy sản và các giải pháp chống khai thác IUU. Lưu ý kiểm tra, rà soát lại cơ sở hạ tầng như bến cảng, cảng cá, khu neo đậu, khu hậu cần nghề cá... để đảm bảo bảo quản hải sản, phục vụ tốt cho ngành khai thác hải sản. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sở nông nghiệp phối hợp với các địa phương có giải pháp phù hợp sắp xếp chuyển đổi các phương tiện không đảm bảo điều kiện hoạt động, đảm bảo cuộc sống cho ngư dân; rà soát lại các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khai thác hải sản còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, có chỉ đạo quyết liệt đảm bảo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đến làm thủ tục hành chính; cần nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân, trên cơ sở đó có những trường hợp khó khăn có nguồn hỗ trợ đảm bảo kịp thời cho ngư dân.

Trần Hà