Năm 2020, chỉ số PCI của Kiên Giang đạt 60,01 điểm, nằm trong nhóm những địa phương có thứ hạng tương đối thấp so cả nước. Nguyên nhân chỉ số PCI 2020 của Kiên Giang sụt giảm có phần do các yếu tố khách quan như tình hình dịch bệnh, thiên tai, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đồng bộ…; một phần chủ quan do cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm đến PCI, một số khó khăn của doanh nghiệp được tiếp xúc qua đối thoại rất nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ và giải quyết thỏa đáng,...
Để thực hiện hóa mục tiêu cải thiện chỉ số PCI, đưa tỉnh nhà trở về nhóm khá so cả nước trong năm 2021, ngay từ đầu năm UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để cải thiện và nâng cao chỉ số PCI. 9 tháng qua, các chỉ số thành phần PCI năm 2020 giảm điểm được các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện để cải thiện điểm số trong năm 2021. Đối với chỉ số chi phí gia nhập thị trường: Thực hiện hiệu quả quy trình một cửa giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp giảm xuống còn 1,5 ngày, cấp đăng ký thay đổi giảm xuống dưới 1 ngày. Kết quả thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, số lượng thành lập mới 927 doanh nghiệp, tăng 5% về số lượng và tăng 55% về vốn đăng ký so năm 2020.
Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có trên 24 triệu lượt truy cập. Tổng số tin, bài về các hoạt động được đăng tải trên cổng là 19.998. Văn bản và các thông tin chuyên ngành là 4.689, cổng thông tin điện tử của 22 sở, ban, ngành tỉnh có tổng lượt truy cập 21.307.865; có 24.097 lượt đăng tải tin, bài và 15.097 văn bản hành chính được công khai trên cổng. Đối với cổng thông tin điện tử của 15 huyện, thành phố có tổng lượt truy cập 21.169.408; có 25.072 lượt đăng tải tin, bài và 3.736 văn bản hành chính được công khai trên cổng.
Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong phát triển cụm công nghiệp, đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm tiềm năng của tỉnh, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện,...
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh liên kết các cơ quan thương vụ; cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức hoặc tham gia các sự kiện giao thương với đối tác nước ngoài bằng hình thức trực tuyến: Chile, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Đức, Lào, Malaysia, Myanmar, Nam Phi, Nhật, Úc, Pakistan, Singapore, Trung Quốc. Phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), các hội, hiệp hội doanh nghiệp đưa các sản phẩm xuất khẩu, nông sản, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến hệ thống phân phối và bán lẻ nông sản cả nước, trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ tiêu thụ 60 sản phẩm nông thủy sản của địa phương vào hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trang thương mại điện tử của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch có trên 270 sản phẩm của gần 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tuyên truyền chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số PCI cho cộng đồng doanh nghiệp, trung tâm đã tổ chức tuyên truyền chỉ số PAPI và PCI cho doanh nghiệp cho các địa phương Châu Thành, Kiên Lương, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc giúp doanh nghiệp nắm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số đánh giá đối với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
Kiên Giang xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Nâng cao chỉ số PCI không chỉ thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi mà còn tạo dựng hình ảnh về một Kiên Giang năng động, hấp dẫn; là nơi mà cộng đồng doanh nghiệp an tâm đầu tư và phát triển.
Trần Hà