Kiên Giang: Hỗ trợ hơn 200 triệu đồng cho người dân bị thiên tai

14:04 05/08/2021

Vừa qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai tại huyện Giồng Riềng.

Theo báo cáo của UBND huyện Giồng Riềng, sáng ngày 22/7/2021, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh, làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân trên địa bàn 04 xã Thạnh Hưng, Thạnh Hòa, Ngọc Hòa và Hòa Thuận làm bị thương 15 người, sập 22 căn nhà, tốc mái 30 căn nhà. UBND huyện đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên hỗ trợ kịp thời.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang hỗ trợ, giúp đỡ người dânkhắc phục hậu quả thiên tai.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trên cơ sở Báo cáo của UBND huyện Giồng Riềng và Tờ trình của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định hỗ trợ 15 người bị thương số tiền 1.500.000đ/người. 22 hộ gia đình bị sập nhà số tiền 6.000.000đ/căn và 30 nhà bị tốc mái số tiền 2.000.000đ/căn. Tổng kinh phí hỗ trợ 214.500.000 đồng từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Giồng Riềng có trách nhiệm tổ chức cấp phát cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai đúng đối tượng. Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được cấp theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, tại Kiên Giang, dông lốc, gió giật mạnh đã làm sập 98 nhà, tốc mái 152 căn nhà, bị thương 16 người, tử vong 2 người và thiệt hại nhiều tài sản khác của người dân. Trước tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với thực thế địa phương. Cụ thể là triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ an toàn sản xuất lúa Hè Thu giai đoạn thu hoạch, lúa Thu Đông đang xuống giống và nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” kết hợp theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống, ứng phó với thiên tai.

Trần Hà