Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, cả nước có 26 KKTCK với tổng diện tích hơn 660 nghìn ha. Sau khi ra đời, hoạt động của KKTCK góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. KKTCK góp phần vào đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở rộng quy mô thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa, kích thích sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa.
Đến nay, các KKTCK trên cả nước đã thu hút được khoảng 800 dự án đầu tư. Trong đó, có 700 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư trên 50.000 tỷ đồng và khoảng 100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 700 triệu USD.
“Việc phát triển các KKTCK đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạ tầng cải thiện, phát triển kinh tế xã hội, thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống, gắn bó với biên giới. Thu nhập bình quân của dân cư cải thiện và góp phần mở rộng quan hệ, giao lưu, củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đánh giá, mô hình KKTCK còn nhiều bất cập như đầu tư dàn trải, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách trung ương.
“Phần lớn các KKTCK hiện nay đều gặp khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh. Chính sách của KKTCK nhiều vướng mắc như: chưa có chính sách ưu đãi đột phá và thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính. Các KKTCK đều ở khu vực biên giới, để huy động doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi, ổn định”, đại diện Bộ KH&ĐT kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, KKTCK có tác dụng tích cực. Như KKTCK Móng Cái giúp địa phương này phát triển tốt hơn. Nguồn thuế thu về đều để lại cho Móng Cái đầu tư phát triển. Tuy nhiên, sức hút của KKTCK còn thấp do chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế.
“Cơ quan chức năng cần chuẩn bị đất sạch, thủ tục hành chính, nhanh gọn. Đào tạo nguồn nhân lực mới có thể phát triển KKTCK. Khuyến khích chính sách đào tạo nhân lực như ngoại ngữ. Ví dụ KKTCK gần Trung Quốc cần có nhân lực thông thạo tiếng Hoa, khu gần Campuchia, Lào thông thạo tiếng các nước đó. Nếu chỉ dựa vào ưu đãi ngắn hạn như thuế sẽ khiến KKTCK không phát triển được”, ông Doanh cho biết.
Ngoài ra, ông Doanh cho rằng, cần phát triển hạ tầng, xây dựng đường cao tốc hoặc vận tải đường thủy cho các KKTCK mới có thể phát triển.
Theo Ngọc Linh