Không khoan nhượng với hàng lậu, hàng giả

00:00 12/10/2020

Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) ngày 25/7.

Triệt phá 85.892 vụ buôn lậu, hàng giả
6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ xử lý 85.892 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm gần 16% so với cùng kỳ 2018), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.165 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ); khởi tố 1.311 vụ (tăng 47% so với cùng kỳ) với 1.546 đối tượng (tăng trên 56% so với cùng kỳ). Riêng TP Hà Nội lực lượng chức năng trên địa bàn đã tổ chức thanh, kiểm tra 12.967 vụ, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018; xử lý hành chính 11.199 vụ, khởi tố hình sự 89 vụ đối với 11 đối tượng. Trong đó, hàng cấm nhập lậu là 1.723 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 680 vụ... Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu là gần 3.000 tỷ đồng.
Đáng nói, mặc dù các lực lượng đã tích cực vào cuộc nhưng tình trạng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả vẫn diễn biến phức tạp. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, các đối tượng buôn lậu, hàng giả hoạt động tinh vi, có tổ chức và ngày càng manh động, đặc biệt nổi lên tình trạng móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài sản xuất hàng giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín DN Việt Nam.

 Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra cửa hàng xe máy điện 176 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa. Ảnh: Lê Nam

Bịt lỗ hổng trong quản lý
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự có chung kiến nghị, các bộ, ngành cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp thực tế liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động phối kết hợp liên ngành, địa phương trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin; lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tới việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, kiểm tra, xử lý kịp thời tình hình buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.

Ánh Ngọc - Lê Nam