Theo danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2024 mà tạp chí danh tiếng Forbes công bố, 6 tỷ phú Việt Nam hiện có tổng giá trị tài sản đạt 13,4 tỷ USD. |
Ông Phạm Nhật Vượng ghi nhận tài sản giảm nhẹ nhưng vẫn là người giàu nhất trong danh sách. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Vượng giàu nhất năm thứ 15 liên tiếp, giữ vị trí số 1 từ năm 2010 tới nay.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) kiêm CEO VinFast (VFS) Phạm Nhật Vượng có tài sản trị giá 4,1 tỷ USD, xếp thứ 833 trên thế giới.
Hiện ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp nắm giữ hơn 691 triệu cổ phiếu VIC, số còn lại sở hữu thông qua các công ty riêng như GSM, VMI hay Vietnam Investment Group. Ông cũng đang giữ lượng lớn cổ phiếu của VFS thông qua các công ty riêng nhưng VinFast lại không được Forbes công nhận công ty niêm yết nên không được cộng vào tổng tài sản của ông.
Chủ tịch VietJet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo xếp thứ hai trong số các tỷ phú Việt Nam với tài sản đạt 2,8 tỷ USD, tăng so với mức 2,4 tỷ USD hồi đầu năm. Là nữ tỷ phú nổi bật nhất Việt Nam, bà Thảo không chỉ được biết đến với việc xây dựng hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, mà còn đóng góp tích cực vào việc phát triển hạ tầng hàng không và tăng cường kết nối quốc tế.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long đứng thứ ba với 2,4 tỷ USD, so với mức 2,3 tỷ USD hồi đầu năm. Thành công của ông gắn liền với sự phát triển vượt bậc của ngành thép Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thép xây dựng và thép công nghiệp.
Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh xếp vị trí thứ tư với 1,8 tỷ USD, so với mức 1,4 tỷ USD đầu năm 2024. Dưới sự lãnh đạo của ông, Techcombank đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Ông Trần Bá Dương (Thaco) và gia đình xếp thứ 5 với 1,2 tỷ USD, giảm so với mức 1,5 tỷ USD đầu năm. Ông Dương đã đưa Thaco từ một công ty chuyên phân phối xe hơi trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, nổi bật trong lĩnh vực lắp ráp và sản xuất ô tô. Với việc hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như Kia, Mazda, và Peugeot, cùng sự phát triển các dòng xe bus, xe tải mang thương hiệu Việt, Thaco không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn mở rộng ra quốc tế, tạo nên một vị thế vững chắc trong ngành công nghiệp ô tô khu vực.
Chủ tịch Masan Group (MSN) Nguyễn Đăng Quang có tài sản không đổi ở mức 1 tỷ USD. Là một trong những doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực tiêu dùng và hàng thiết yếu tại Việt Nam, ông Quang đã đưa Masan trở thành tập đoàn dẫn đầu trong ngành thực phẩm, đồ uống và bán lẻ. Các sản phẩm của Masan đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Việt, trong khi hệ thống bán lẻ WinMart và WinMart+ không ngừng mở rộng, góp phần củng cố vị thế của tập đoàn trên thị trường nội địa.
Theo Nghị quyết Chính phủ ban hành hồi tháng 5, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú USD. Ông Vượng, ông Long, bà Thảo, ông Hùng Anh được xem là tỷ phú đứng vững trong danh sách của Forbes.
Giới đầu tư kỳ vọng, danh sách này sẽ sớm có tên ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT khi FPT đang dồn lực vào mảng trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra là ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Sunshine (KSF) và CTCP Phát triển Sunshine Homes (SSH), ông Đào Hữu Huyền - Hóa chất Đức Giang hay ông Nguyễn Văn Đạt - Bất động sản Phát Đạt...
Việt Nam cũng có nhiều doanh nhân nổi tiếng, được xem là siêu giàu nhưng kín tiếng như bà Nguyễn Thị Nga BRG, ông Vũ Văn Tiền Geleximco, ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn, ông Đỗ Minh Phú Doji, ông Đỗ Quang Hiển T&T, gia đình ông Đặng Văn Thành - Thành Thành Công...