Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam: Doanh nhân đổi mới - kết nối toàn cầu

21:48 19/10/2022

Tiếp nối thành công của các sự kiện khởi nghiệp trong 7 năm qua của Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (2015 - 2022), chiều ngày 19/10, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam lần thứ 3 năm 2022 - Viet Nam Start Up 4.0. Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn với cộng đồng khởi nghiệp và doanh nhân sáng tạo Việt Nam. Diễn đàn năm nay diễn ra với chủ đề: “Doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, kết nối toàn cầu – VietNam Starup 4.0”.

Năm 2017, chương trình Vietnam Startup 4.0 lần thứ nhất với chủ đề “Chuẩn bị tâm thế khởi nghiệp sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”; năm 2019, Vietnam Startup 4.0 đã diễn ra với chủ đề "Doanh nhân Việt Nam sẵn sàng bước ra biển lớn và đặt nền móng xây dựng văn hóa doanh nghiệp trường tồn” đã thu hút hàng nghìn doanh nhân, doanh nghiệp tham dự và đã trở thành sự kiện lớn nhất trong năm dành cho doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam. 

Năm 2022, Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam trở lại sau 3 năm trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang trong những nỗ lực phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch với rất nhiều thách thức. Chương trình cũng được tổ chức vào đúng dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và Ngày Doanh chủ thế giới (Boss’s Day 16/10) và ngày thành lập Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10. Chương trình sẽ là dịp tôn vinh doanh nhân, những nhà sáng lập doanh nghiệp đồng thời nhằm trao đổi, thảo luận về cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo trong thời kỳ công nghệ 4.0 với nền kinh tế số và hợp tác phát triển doanh nhân, doanh nghiệp, cộng đồng Startup tại Việt Nam với thế giới.

Ngoài ra, chương trình Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam Vietnam Startup năm nay cũng là cơ hội giúp các doanh nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp kết nối đam mê, chia sẻ tri thức, tạo dựng giá trị và tìm kiếm lời giải cho bài toán ra thị trường cho doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo và quản trị doanh nghiệp sáng tạo, cũng như trong quá trình quản trị doanh nghiệp để có cái nhìn toàn cầu, đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, vững vàng hướng tới tương lai. Diễn đàn năm nay với chủ đề: “Doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, kết nối toàn cầu – VietNam Starup 4.0”.

Đến tham dự chương trình có TS. Vũ Tiến Lộc -  Đại Biểu Quốc Hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế  Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (KNQG); GS.TS Đinh Xuân Dũng - Cố vấn Hiệp hội KNQG, TS. Lê Xuân Nghĩa – Cố vấn Hiệp hội KNQG; ông Vũ Quốc Huy- Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, ông Ngô Minh Toàn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp HN; Tiến sỹ Đinh Việt Hoà – Chủ tịch Hiệp hội KNQG.

Về phía khách quốc tế, có bà Maayan Ben Tura - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, ngài Ken Bay - Chủ tịch Cixgen Global (Singapore), ông Hong Sun - Chủ tịch hội thể thao người Hàn quốc tại Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp người Hàn quốc tại Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại Diễn đàn
Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ tại Diễn đàn.

Mở đầu diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ: “Có thể coi, phụ nữ và doanh nhân đều là trung tâm. Nếu phụ nữ là trung tâm của gia đình thì doanh nhân là trung tâm của nền kinh tế. Việt Nam có mấy ngàn năm lịch sử là chiến tranh và đất nước ta trước đây chưa có truyền thống kinh doanh. Thế nhưng, hiện nay xã hội đã bắt đầu ghi nhận tầng lớp doanh nhân. Tôi có tra trên mạng từ khóa doanh nhân thì đã có 32.000 từ doanh nhân được nhắc đến. Đội ngũ doanh nhân đã trải qua quá trình không hề đơn giản. Khi nói đến khởi nghiệp, đến sự phát triển kinh tế phải ghi nhận tinh thần doanh nhân”.

Cũng theo ông Lộc, trên thực tế, khởi nghiệp bao gồm 2 nghĩa: Thứ nhất, là bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, tiếp tục mô hình sẵn có để cải tiến đổi mới lên và thứ hai là sáng tạo mô hình kinh doanh mới để tạo ra sự bứt phá. “Để thực hiện khởi nghiệp, chúng ta phải bám sát xu hướng của thế giới: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đặc biệt là chuyển đổi nhân văn (trong đó, đặt con người ở vị trí trung tâm). Nhờ những điều đó, doanh nghiệp mới có thể phát triển lâu dài và bền vững.

Chúng ta đang bước vào gian đoạn khó khăn, với nhiều biến động như địa chính trị, biến đổi khí hậu, lạm phát gia tăng,... Chỉ còn 1 cách là năng cao khả năng chống chịu trước những sự thay đổi để ứng phó với sự thay đổi trong môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao trách nhiệm xã hội là yếu tố rất quan trọng, ngoài ra còn cần chú ý đến khả năng quản trị rủi ro, nâng cao phòng ngừa, xử lý tranh chấp”, ông Lộc nhận định.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, khởi nghiệp cần bắt đầu từ văn hóa, ông Lộc mong muốn thế hệ trẻ muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh thì nên nhớ nền tảng cơ bản nhất là văn hóa. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có niềm tin của nhân loại và dẫn đến thành công trong dài hạn.

Một trong những quốc gia có thể nói rằng nổi tiếng nhất thế giới trong những năm qua khi nói đến một quốc gia khởi nghiệp chính là Israel. Trong chương trình ngày hôm nay, bà phó đại sứ Israel Maayan Ben Tura đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển, kinh nghiệp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia tại Israel.

Bà phó đại sứ Israel Maayan Ben Tura phát biểu tại Diễn đàn
Bà Phó Đại sứ Israel Maayan Ben Tura phát biểu tại Diễn đàn.

Bà cho biết: “Israel là một đất nước nhỏ nằm ở khu vực trung đông, dù vậy nhưng chúng tôi đã kí rất nhiều Hiệp định Hòa bình ở khu vực Trung Đông. Diện tích đất nước chúng tôi chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An và dân số nước tôi thậm chí còn ít hơn Sài Gòn. Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ là về việc tiết kiệm nước. Nguồn nước hằng ngày chúng tôi được lấy từ biển Chết, đưa vào hệ thống và thông qua hệ thống xử lý thì các gia đình có thể sử dụng hằng ngày. Không những thế, chúng tôi có thể đưa vào quy trình để sử dụng tưới cây cối và đưa vào hệ thống tái sử dụng nguồn nước này.

Đối với Israel, đất nước chúng tôi chủ yếu là sa mạc, nhưng chính vì khó khăn ấy có thể giúp chúng tôi học được cách tái sử dụng nguồn nước. Ở nước tôi, 90% nguồn nước ngọt đều có thể tái chế, chính vì thế chúng tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều nước”.

Qua câu chuyện được chia sẻ, bà Maayan đã gửi đến thông điệp rằng, những khó khăn gặp phải chính là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta. “Chính những khó khăn đã làm chúng tôi tận dụng mọi thứ mình có để phát triển nền kinh tế một cách tốt nhất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp”, phó đại sứ nhận định.

Về hệ sinh thái khởi nghiệp, bà Maayan nói thêm: “Ở Israel có rất nhiều công ty được định giá hàng tỷ đô. Chúng tôi cũng có rất nhiều vườn ươm nằm ở nhiều nơi trên đất nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Israel là đất nước có nền văn hóa khác biệt, chúng tôi có rất nhiều doanh nhân trẻ nhưng lại có nhiều kinh nghiệm. Ở Israel, nền giáo dục rất phát triển, dù mọi người xuất phát từ môi trường nào cũng có thể khởi nghiệp và có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, họ có thể khởi nghiệp ở Isarel hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới. Đặc biệt ở Israel, thất bại đối với chúng tôi là một thứ vô cùng giá trị. Các bạn đi ra ngoài và nếu có gặp thất bại mà không ghi chép lại thì điều đó là cực kì không nên. Mọi thất bại đều được mọi người ghi chép lại để rút ra kinh nghiệm và làm bài học trên con đường đi tới thành công. Có thể nói việc kết nối những doanh nghiệp khởi nghiệp với nhau để học hỏi kinh nghiệm là điều được chú trọng tại Israel . Kể cả những doanh nhân thất bại và đóng cửa cũng vẫn có thể chia sẻ bài học cho nhiều doanh nghiệp đang hoạt động khác”.

“Ở Israel, chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này tạo động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Maayan nói. 

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Tại diễn đàn, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã chia sẻ thông điệp: “Chính phủ đồng hành cùng doanh nhân Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam ”.

Ông chia sẻ: “Trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng phục hồi hậu đại dịch, diễn đàn là dịp quan trọng để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với quyết tâm nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý thì cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã bước qua gia đoạnh khó khăn để tiếp tục phát triển. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp lớn trên thế giới đều đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với sự đồng hành của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội kinh doanh, tận dụng tốt thành tựu khoa học công nghệ, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thông qua diễn đàn ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến để đưa ra kế hoạch thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp”.

Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp Quốc gia, TS Đinh Việt Hoà đã chia sẻ: “Trước khi chúng ta có sự sáng tạo, chúng ta cần phải có hành trình của sự học hỏi, của sự bền bỉ và từ đó mới có thể thành công. Chữ ‘Startup’ nay đã trở thành nòng cốt cho sự phát triển cho tương lai. Chúng ta sẽ không bắt đầu hành trình của sự sáng tạo bằng sự không sáng tạo, mà bắt đầu từ quá trình học hỏi, bền bỉ cố gắng để xây dựng lên những thứ mới. Tôi tin rằng trong tương lai, nhờ việc thực hiện lộ trình từng bước một giống như nhiều nước đã làm, chúng ta có thể xây dựng một đất nước hưng thịnh. Ông cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ tổ chức được nhiều chương trình sâu hơn, tâm huyết hơn để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nhân trẻ”.

Sau phiên chia sẻ của các diễn giả đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa hiệp hội khởi nghiệp quốc gia và các đối tác chiến lược. Việc ký kết hợp tác sẽ là bước đầu tiên để hiện thực hóa những cái bắt tay trong thời gian tới, cũng như biến kế hoạch thành hành động thực tế. 

Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và các đối tác chiến lược
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và các đối tác chiến lược.

Diễn đàn còn có phiên Đối thoại bàn tròn vì một quốc gia sáng tạo. Phiên Đối thoại được chủ trì bởi TS. Đinh Việt Hòa – chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam sẵn sàng thay đổi, đón nhận công nghệ mới nhằm phục hồi và phát triển doanh nghiệp bền vững”. 

Toàn cảnh Phiên đối thoại
Toàn cảnh phiên đối thoại.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ: "Doanh nghiệp cần có tư duy tầm nhìn cho hoạt động phát triển toàn cầu. Doanh nhân vốn đã là trọng trách to lớn nhưng không chỉ đơn thuần là trách nhiệm tạo kinh tế mà còn phải vận động doanh nghiệp bằng tình thương, tạo thành công của doanh nghiệp, tạo giá trị cho doanh nghiệp nói riêng và đất nước nói chung, cần phải chuẩn bị tốt để đương đầu với khó khăn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”,

Ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Taxi Mai Linh phát biểu: "Những doanh nhân là người lính, doanh nghiệp là lực lượng xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong nền kinh tế. Doanh nghiệp không chỉ là kinh doanh thương mại mà chính là phương tiện kết nối toàn cầu. Hiện dấu hiệu của nền kinh tế đang dần phục hồi, các doanh nghiệp nên đoàn kết, kết nối để xây dựng ngôi nhà chung nhằm đáp ứng khát vọng chuyển biến trong kinh doanh xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam trên toàn cầu”. 

Toàn cảnh phiên thảo luận
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Ông Phạm Văn Tam - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo nhận định: “Doanh nghiệp chỉ có đổi mới chứ không phải sáng tạo, sự đổi mới từ sản phẩm cho đến cách quản lý. Khẳng định doanh nghiệp trẻ sẽ có những điểm yếu cũng như điểm mạnh, đặc biệt về khởi nghiệp công nghệ, dám dấn thân tìm tòi tiếp cận khách hàng bằng nhiều cách và đổi mới những phương thức kinh doanh truyền thống”

"Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia ra đời dựa trên nghị quyết của Bộ Chính trị và sự khát khao đổi mới sáng tạo, mong muốn doanh nghiệp thay đổi nhận thức, có thêm khát khao biến được bất lợi thành thuận lợi” - Ông Đỗ Tiến Thịnh - PGĐ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá tình hình kinh tế sắp tới của thế giới cũng như Việt Nam sẽ rất khó khăn không thể dự báo và lường trước được. Nói về kinh doanh dài hạn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại để ứng phó thời cuộc thị trường, nên chú ý quản trị rủi ro. Phải có phương án sẵn sàng rủi ro, an toàn kinh doanh đặt lên hàng đầu. Để doanh nghiệp an tâm đầu tư, VIAC sẽ sát cánh bên các doanh nghiệp, bảo vệ doanh nhân và bảo vệ sự kinh doanh hợp pháp.

Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình. Diễn đàn ngày hôm nay sẽ không chỉ tạo nên sự kết nối trong nước mà còn là sự kết nối toàn cầu. Đến tham dự và chia sẻ tại diễn đàn, Ngài Ken Bay - Chủ tịch Cixgen Global (Singapore) sẽ lên chia sẻ dự án hiệp hội khởi nghiệp quốc gia toàn cầu. 

Ngài Ken Bay - Chủ tịch Cixgen Global
Ngài Ken Bay - Chủ tịch Cixgen Global.

Ông chia sẻ: “Tôi nhận ra rằng tại Việt Nam có quá nhiều cơ hội kinh doanh, tôi chỉ cần vài nguồn lực để có thể thực hiện khởi nghiệp ở Việt Nam. Đầu tiên là kết nối với người có tầm ảnh hưởng, tôi nhận ra tại diễn đàn có rất nhiều có tầm ảnh hưởng. Điều thứ hai mà tôi cần là bối cảnh kinh doanh. Chúng ta làm kinh doanh vì vậy chúng ta cần nguồn đầu tư. Nhiều tổ chức đang tìm đến VN để tìm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng ta hãy hành động tại Việt Nam và suy nghĩ toàn cầu. Nếu chúng ta không suy nghĩ toàn cầu thì làm sao  có thể đạt thành công vươn ra thế giới. Để chúng ta có hành động có kết quả chúng ta cần đội ngũ nhân sự có kỹ năng. Việc kết nối chúng ta với các nhà đầu tư có thể giúp chúng ta phát triển việc kinh doanh của mình”.

Diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, mở rộng và nâng cao kiến thức cũng như kinh nghiệm học hỏi từ các chuyên gia về kinh tế cũng như khởi nghiệp. Thúc đẩy môi trường doanh nghiệp doanh nhân trong quá trình sáng tạo và kết nối toàn cầu.

Bảo Trinh – Hồng Ngọc