Khi các tỷ phú trên thế giới hướng mối quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ

12:16 22/09/2021

Theo nhà thơ Alfred Lord Tennyson, "mọi thứ đều phải đến lúc chết", nhưng điều đó có thể sắp thay đổi. Ngày càng có nhiều tỷ phú công nghệ quyết định sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để cố gắng giúp con người “vượt qua được cái chết”.

Tỷ phú sáng lập ra Amazon - Jeff Bezos là  một trong những những tỷ phú điển hình thể hiện sự quan tâm của mình vào lĩnh vực kéo dài tuổi thọ

Tỷ phú sáng lập ra Amazon - Jeff Bezos là một trong những những tỷ phú điển hình thể hiện sự quan tâm của mình vào lĩnh vực kéo dài tuổi thọ. Ảnh: CNBC.

Ngành kinh doanh khoa học

Tỷ phú sáng lập ra Amazon - Jeff Bezos,  người đồng sáng lập ra công cụ tìm kiếm Google - Larry Page, Giám đốc điều hành Oracle Larry Ellison và Peter Thiel Palantir là những tỷ phú điển hình thể hiện sự quan tâm của mình vào lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này. 

Mặc dù các bước đột phá vẫn chưa được đảm bảo, nhưng họ hy vọng rằng các loại thuốc, liệu pháp điều trị và các công nghệ khoa học đời sống khác sẽ giúp con người sống khỏe hơn 100 tuổi và có thể đến 200, 300 hoặc thậm chí lâu hơn.

Nhưng những nỗ lực của họ sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại nói chung hay chỉ giành cho những người giàu có? Đó là một câu hỏi phức tạp gây ra nhiều luồng ý kiến. 

Stefan Schubert, nhà nghiên cứu tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London nói với CNBC: “Những công nghệ ban đầu chỉ phù hợp với túi tiền của người giàu. Thật vậy, điều này đúng với mọi thứ, từ du lịch hàng không đến điện thoại thông minh và thuốc chữa trị.

Nhà đầu tư công nghệ Jaan Tallinn, người đồng sáng lập Skype, nói với CNBC rằng, nhiệm vụ sống mãi mãi của Thung lũng Silicon cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại nói chung.

Tallinn nói: “Tôi nghĩ rằng cái chết rõ ràng là một điều rất đáng buồn, điều này khiến việc kéo dài tuổi thọ trở thành một điều cao cả về mặt đạo đức. Những người đi đầu luôn có xu hướng trả nhiều tiền hơn và chấp nhận rủi ro lớn hơn so với thị trường đại chúng".

Sean Ó Heigeartaigh, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro của Đại học Cambridge, nói với CNBC rằng "nhiều tiến bộ trong khoa học tuổi thọ có thể mang lại những lợi ích rộng rãi, chúng có thể làm giảm sự xuất hiện hoặc mức độ nghiêm trọng của các bệnh liên quan đến tuổi già bao gồm chứng mất trí và các bệnh liên quan đến tim".

Biến đổi khí hậu nên được đặt lên trước

Một số lo ngại rằng các nguồn tài nguyên hữu hạn của Trái đất có thể bị căng thẳng nếu con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.

"Việc kéo dài tuổi thọ một cách tối đa đối với tôi dường như khó có thể thành hiện thực nhưng xác định và giải quyết các yếu tố liên quan đến việc lão hóa và tăng khả năng bảo vệ trước những tình trạng bệnh của tuôi tác thì nghe có vẻ hợp lý", Heigeartaigh, nói. 

Tuy nhiên, vào thời điểm những tiến bộ mở rộng tuổi thọ có ý nghĩa được thực hiện, Ó hÉigeartaigh hy vọng dân số sẽ ổn định hơn ở nhiều nơi trên thế giới. 

Ông Ó hÉigeartaigh nói thêm: “Những thách thức về nguồn tài nguyên không bền vững của chúng ta sẽ cần phải được giải quyết trước khi khoa học giải quyết được vấn đề lão hóa. Chúng ta có nhiều điều cấp bách hơn phải lo lắng hơn là những rủi ro của việc kéo dài tuổi thọ, chẳng hạn như biến đổi khí hậu trong thế kỷ tới".

Trong khi một số người tin rằng các tỷ phú có thể chi tiền của họ cho những gì họ thấy phù hợp, không phải ai cũng nghĩ rằng các tỷ phú công nghệ nên sử dụng tiền của họ để tài trợ cho nghiên cứu kéo dài tuổi thọ.

Jon Crowcroft, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Cambridge, nói với CNBC rằng, tốt hơn hết họ nên bơm hàng tỷ USD của mình vào các công nghệ giảm thiểu biến đổi khí hậu thay vì nghiên cứu tuổi thọ.

Crowcroft nói: “Thật là vô nghĩa khi sống mãi mãi trên một hành tinh đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu".

Nhưng Tallinn nói với CNBC rằng, ông thấy nỗ lực của tỷ phú công nghệ để hỗ trợ nghiên cứu tuổi thọ là ”đáng khen ngợi.”

Khi các tỷ phú hướng sự quan tâm đặc biệt đến việc 'trẻ hóa'

Tỷ phú Jeff Bezos đã đầu tư một khoản trong khối tài sản khổng lồ của mình vào một công ty khởi nghiệp “hồi xuân” mới có tên là Altos Labs, theo một báo cáo từ MIT Technology Review vào đầu tháng này. Altos Labs là nỗ lực mới nhất của giới đầu tư khoa học trong quá trình tìm kiếm phương thức trẻ hóa con người

Công ty khởi nghiệp chống lão hóa, được cho là đang theo đuổi công nghệ tái lập trình sinh học, được cho là cũng được hỗ trợ bởi nhà đầu tư mạo hiểm người Nga-Israel Yuri Milner, người đã kiếm được nhiều tiền với tư cách là một nhà đầu tư ban đầu vào Facebook.

Altos chưa đưa ra thông báo chính thức, nhưng công ty được đăng ký thành lập ở Delaware vào năm nay và đã được đầu tư ít nhất 270 triệu USD, theo hồ sơ thông tin chứng khoán ở California được xem xét bởi Giáo sư Will Gornall từ Đại học British Columbia. Ngoài Bezos và Milner, công ty có lẽ đã được nhiều doanh nhân công nghệ lớn và nhà đầu tư mạo hiểm góp tiền.

Ở một diễn biến khác, nhà sáng lập Oracle - Ellison đã quyên góp hơn 370 triệu USD để nghiên cứu về quá trình lão hóa và các bệnh liên quan đến tuổi tác, theo The New Yorker đưa tin. 

Trong khi đó, hai người sáng lập Google là Sergey Brin và Larry Page đã giúp khởi động Calico, một dự án bí mật theo dõi chuột từ khi sinh ra đến khi chết với hy vọng tìm ra dấu hiệu cho các bệnh như tiểu đường và Alzheimer, theo một báo cáo trên tờ The New Yorker. Calico là một phần của Alphabet, công ty mẹ cũng sở hữu Google.

Một trong những người ủng hộ lớn nhất cho việc kéo dài tuổi thọ trong số các tỷ phú công nghệ là Thiel, người đồng sáng lập PayPal và Palantir, người đã ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump.

Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal Inc.
Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal Inc. Ảnh: CNBC.

Năm 2006, ông đã quyên góp 3,5 triệu USD để hỗ trợ nghiên cứu chống lão hóa thông qua quỹ phi lợi nhuận Methuselah Mouse Prize. Ông nói: “Những tiến bộ nhanh chóng trong khoa học sinh học báo trước về một kho tàng khám phá trong thế kỷ này, bao gồm cải thiện đáng kể sức khỏe và tuổi thọ cho tất cả mọi người”. Thiel đã tăng khoản đầu tư của mình vào quỹ Methuselah Mouse Prize lên 7 triệu đô la vào năm 2017.

Theo The New Yorker, Thiel và Bezos đều đầu tư vào Unity Biotechnology có trụ sở tại San Francisco, một công ty mà người sáng lập cho biết ông muốn “làm giảm đi một phần ba số bệnh ở người ở các nước phát triển”.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tỷ phú người Anh Jim Mellon nói với CNBC vào tháng 9 năm ngoái rằng, ông đang có kế hoạch đưa Juvenescence, công ty kéo dài tuổi thọ của chính mình, ra mắt công chúng trong vòng 6 đến 12 tháng tới.

Nó vẫn chưa xảy ra, nhưng Juvenescence đang tiếp tục đầu tư vào một loạt các liệu pháp chống lão hóa mà họ cho rằng có khả năng kéo dài tuổi thọ con người.

Một trong những khoản đầu tư đó là Insilico Medicine, nhằm mục đích sử dụng trí tuệ nhân tạo để khám phá thuốc. Juvenescence cũng đã hỗ trợ AgeX Therapeutics, một công ty có trụ sở tại California đang cố gắng tạo ra các tế bào gốc có thể tái tạo các mô bị lão hóa và LyGenesis, muốn phát triển một công nghệ sử dụng các hạch bạch huyết làm lò phản ứng sinh học để tái tạo các cơ quan thay thế.

Các tỷ phú khác, bao gồm Mike Cannon-Brookes, người đồng sáng lập công ty phần mềm Úc Atlassian, và người sáng lập NEX Group Michael Spencer, đã đầu tư vào Juvenescence.

Bảo Bảo