Khi các tỷ phú tận dụng kinh nghiệm kinh doanh và sự giàu có để nắm quyền điều hành quốc gia

12:17 14/09/2021

Tỷ phú Akhannouch - Thủ tướng tiếp theo của Maroc đã theo bước chân ông Donald Trump ở Hoa Kỳ và ông Andrej Babis ở Cộng hòa Séc, những người gần đây đã tận dụng kinh nghiệm kinh doanh và sự giàu có của họ để nắm quyền điều hành các quốc gia.

Aziz Akhannouch -Thủ tướng sắp tới của Maroc (Nguồn: GETTY IMAGES)

Aziz Akhannouch -Thủ tướng sắp tới của Maroc (Nguồn: GETTY IMAGES).

Chân dung tỷ phú Aziz Akhannouch - Thủ tướng tiếp theo của Maroc

Tỷ phú năng lượng người Maroc - Aziz Akhannouch sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Maroc, điều này đã được xác nhận sau khi người dân quốc gia Bắc Phi này đi bỏ phiếu vào tuần trước.

Vào ngày 10/9, các trang thông tin của đất nước xác nhận rằng Quốc vương Morocco, Mohammed VI, đã tiếp Akhannouch - chủ tịch đảng Tự do đến Cung điện Hoàng gia ở Fez, nơi ông được yêu cầu thành lập chính phủ mới.

Giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử, giành được 102 ghế quốc hội trong tổng số 395 ghế hiện có, Akhannouch đã đẩy đảng Hồi giáo bảo thủ PJD ra khỏi quyền lực, sau khi đảng - vốn đã lãnh đạo các liên minh khác nhau trong một thập kỷ đã làm mất lòng cử tri trong bối cảnh nền kinh tế của Maroc trở nên tụt hậu trong thời kỳ đại dịch. 

Những người ủng hộ Aziz Akhannouch tham dự một cuộc họp chiến dịch ở Oudaya Kasbah ở thủ đô Rabat vào năm 2021 (Nguồn: GETTY IMAGES).
Những người ủng hộ Aziz Akhannouch tham dự một cuộc họp chiến dịch ở thủ đô Rabat vào năm 2021 (Nguồn: GETTY IMAGES).

Đã có mối lo ngại từ Ngân hàng Thế giới rằng nền kinh tế của đất nước (tính bằng tổng sản phẩm quốc nội thực tế) đã giảm 7% trong năm 2020. Trong khi trong báo cáo mới nhất vào năm 2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ trích Ma-rốc tăng trưởng "dưới 3%" và tỷ lệ thất nghiệp cao  giữa thanh niên và phụ nữ. Theo báo cáo của Viện Brookings vào năm 2019, Maroc có tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên (15-24) trên toàn quốc là 22% và 40,3% ở các khu vực thành thị - một con số có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch.

Akhannouch trước đây đã nói rằng:“cam kết chính của đảng là làm việc nghiêm túc miễn là chúng tôi có được niềm tin của người dân, cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ, đạt được nguyện vọng của họ và lấy lại niềm tin của họ. Akhannouch không còn xa lạ với nền chính trị Ma-rốc, ông từng là bộ trưởng nông nghiệp của quốc gia từ năm 2007 đến năm 2021”.

Mặc dù Akhannouch đã khẳng định trước cuộc bầu cử của mình là "một chiến thắng cho nền dân chủ" trong một bài phát biểu trên truyền hình, thế nhưng quyền hành pháp ở Maroc phần lớn vẫn nằm trong tay của Vua Mohammed VI, người đã kỷ niệm 22 năm lên ngôi vào tháng Bảy vừa qua. Nhà vua cũng là người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Maroc. Năm 2015, Forbes ước tính tài sản của ông là 5,7 tỷ USD.

Khi các tỷ phú nắm quyền điều hành đất nước

Trong khi đó, Akhannouch có giá trị tài sản ròng là 2 tỷ USD, Forbes ước tính - phần lớn nhờ vào cổ phần của ông trong Akwa Group, một tập đoàn của Maroc có trụ sở tại Casablanca và là công ty lớn trong ngành dầu khí của đất nước. Akhannouch được thừa kế cổ phần của Akwa từ cha mình, người đã thành lập công ty vào năm 1932. Akhannouch cũng có cổ phần tại Afriquia Gas được giao dịch công khai (tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái) và Maghreb Oxygene (tăng 8%), cũng như Caractères Media Group, và một khu nghỉ mát du lịch và chơi gôn sang trọng tại Vịnh Taghazout.

Forbes ở khu vực Trung Đông đã đưa tên vợ của Akhannouch - Salwa Idrissi Akhannouch ở vị trí thứ 19 trong danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực năm 2021. Salwa Idrissi thành lập Tập đoàn bán lẻ AKSAL vào năm 2004, đưa nhiều thương hiệu xa xỉ như Fendi, Gucci, Ralph Lauren, Zara, Banana Republic, Massimo Dutti, Pull & Bear và Gap vào thị trường Maroc.

Akhannouch theo bước chân của Donald Trump ở Hoa Kỳ và Andrej Babis ở Cộng hòa Séc, những người gần đây đã tận dụng kinh nghiệm kinh doanh và sự giàu có của họ để nắm quyền ở các quốc gia nơi điều kiện kinh tế được cải thiện cho người dân lao động là thông điệp chính trên lộ trình bầu cử.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (Nguồn: GETTY IMAGES)
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tận dụng kinh nghiệm kinh doanh và sự giàu có  để nắm quyền  (Nguồn: GETTY IMAGES).

Các tỷ phú nắm quyền khác bao gồm Tổng thống Chile kiêm nhà đầu tư Sebastián Pinera, người đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Chile lần thứ hai vào năm 2018, sau lần đầu tiên nắm giữ vị trí này từ năm 2010 đến năm 2014. Tài sản ước tính 2,8 tỷ USD của Pinera đến từ công ty thẻ tín dụng Bancard mà ông thành lập vào những năm 1970. Sau cuộc bầu cử năm 2010, ông đã dỡ bỏ 26% cổ phần của mình LAN Airlines - một trong các hãng hàng không chính của Chile với giá 1,5 tỷ USD.

Lebanon cũng đã có hai nhà lãnh đạo là tỷ phú trong những năm gần đây: Saad Hariri, người nắm khối tài sản trị giá 1,4 tỷ USD vào năm 2016, năm ông trở thành thủ tướng. Saad là con trai của tỷ phú quá cố Rafik Hariri - người đã từng giữ chức Thủ tướng và bị sát hại năm 2005. Trước đó ông Rafik Hariri từng là một trong 100 người đàn ông giàu nhất thế giới, chính trị gia giàu thứ tư trên thế giới.

Ở châu Âu, tỷ phú người Ý Silvio Berlusconi lần đầu tiên được bầu làm Thủ tướng Ý vào năm 1994, với những ngày cuối cùng của vị trí lãnh đạo đầy biến động của ông kết thúc vào năm 2011. Giá trị tài sản ròng của ông được Forbes ước tính là 8,1 tỷ USD.

Bảo Bảo (Theo Forbes)