Bài liên quan |
Ngành cá tra Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2025 |
Lạc quan về triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2025 |
Xuất khẩu cá tra Việt Nam tiến sát mốc 2 tỷ USD |
Trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đạt được những tín hiệu khả quan, đánh dấu sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và số liệu từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 11/2024 đạt 179 triệu USD, tăng 16% so với tháng 11/2023. Lũy kế từ đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Những thị trường chủ lực vẫn duy trì vị trí dẫn đầu, cho thấy sự ổn định trong nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng chiến lược này của Việt Nam.
Trung Quốc và Hong Kong tiếp tục là thị trường lớn nhất cho cá tra Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11/2024 đạt 50 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 500 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự ổn định nhưng cũng tiềm ẩn thách thức cạnh tranh. Tại Hoa Kỳ, thị trường lớn thứ hai của cá tra Việt Nam, xuất khẩu trong tháng 11/2024 ghi nhận mức tăng 14%, đạt hơn 26 triệu USD. Tính lũy kế cả năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 317 triệu USD, tăng trưởng ấn tượng 26%, phản ánh sự tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thủy sản tại thị trường này.
Khi cá tra Việt Nam không còn "một mình một chợ". |
Các quốc gia thuộc khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng chứng kiến mức tăng trưởng tích cực trong tiêu thụ cá tra Việt Nam. Tháng 11/2024, xuất khẩu sang khối này đạt gần 24 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Mexico, quốc gia tiêu thụ lớn nhất trong khối CPTPP, dù ghi nhận mức giảm 25% trong tháng 11, vẫn đạt 69 triệu USD trong cả năm, tăng 5% so với năm 2023. Tại Liên minh châu Âu (EU), thị trường đứng thứ tư về tiêu thụ cá tra Việt Nam, xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt gần 161 triệu USD, tăng 3% so với năm ngoái. Riêng tháng 11, xuất khẩu sang EU đạt gần 17 triệu USD, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ. Hà Lan, thị trường lớn nhất trong khối EU, đã nhập khẩu hơn 43 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm. Ngoài ra, các thị trường khác như Thái Lan, Anh, và Colombia cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 11, lần lượt đạt mức tăng 29%, 20%, và 2%.
Tuy nhiên, thị trường cá tra Việt Nam không tránh khỏi thách thức khi phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là từ cá lóc nội địa Trung Quốc. Sản lượng nuôi cá lóc tại Trung Quốc trong năm 2024 ước đạt 800.000 tấn, với 40% dành cho chế biến công nghiệp và phần còn lại phục vụ thị trường tiêu thụ cá sống.
Theo VASEP, cá lóc và cá tra có những điểm tương đồng về kết cấu, hương vị và ứng dụng ẩm thực khiến cả hai loài cá này trở nên phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc. Cả hai đều có thịt trắng, chắc, hương vị nhẹ, giàu protein và có những lợi thế cạnh tranh riêng.
Theo nhận định của VASEP, sự phát triển của cá lóc nội địa Trung Quốc diễn ra song song với việc nước này giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam. Cụ thể, năm 2020, Trung Quốc đã nhập từ Việt Nam hơn 200.000 tấn phi lê cá tra đông lạnh, thì đến năm 2023 số lượng này giảm còn 106.000 tấn. Vì thế, kịch bản Trung Quốc tự cung tự cấp cá lóc để thay thế dần cho cá tra nhập khẩu từ Việt Nam là hoàn toàn có thể thành hiện thực. Đây sẽ là nỗi lo ngại khi thị trường tỷ dân đang là khách hàng lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Chuyên gia thị trường cá tra của VASEP - Thu Hằng cho rằng: “Cá tra Việt Nam có giá thành hợp lý, nguồn cung ổn định, phù hợp với các thị trường lớn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng bởi rào cản thương mại và biến động thị trường quốc tế. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá tra vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh mạnh với các loài cá thịt trắng khác. Doanh nghiệp Việt Nam buộc phải có những tính toán cho hướng đi mới đa dạng hơn”.
Nhiều năm qua, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu cá tra phile đông lạnh và gần như chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở hiện tại khi cá tra không còn “một mình một chợ”, nhiều quốc gia cũng đã gia nhập cuộc đua nuôi và xuất khẩu cá tra. Vì thế các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của cá tra trên thị trường bằng việc gia tăng chất lượng, đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu cá tra toàn cầu.