Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

23:33 29/03/2023

Ngày 29/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 318 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa
Khánh Hòa được định hướng là trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.

Quyết định cũng nêu rõ việc khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển với kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế chính sách đặc thù do Quốc hội ban hành.

Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là để phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm - động lực phát triển của tỉnh - là Khu vực vịnh Vân Phong, TP Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.

Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, thủy sản và hậu cần nghề cá, công nghệ thông tin.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Khánh Hòa sẽ phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.

Phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I (thành phố Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), 1 đô thị loại II (thành phố Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.

Trong đó, TP Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tổ chức không gian khu kinh tế thành 2 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.

Địa phương này cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đầu người đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người; số lao động có việc làm tăng bình quân hàng năm tăng từ 11.000 - 12.000 người và có tỷ lệ lao động qua đào tạo 90%.

Tầm nhìn đến 2050, Khánh Hòa được định hướng là trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm nhìn khu vực châu Á. Địa phương này trở thành một trong những đô thị ven biển hút khách du lịch, có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. Trong thời kỳ 2031-2050, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt 690 triệu đồng và tỉ lệ đô thị hóa đạt 75-80%.

PV(t/h)