Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế Động vật Thế giới (WOAH) đang kêu gọi các quốc gia hợp tác để đối phó với những đợt bùng phát cúm gia cầm đang lan rộng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, virus cúm gia cầm H5N1, thường lây lan giữa các loài chim, đang gia tăng số ca nhiễm ở động vật có vú. Điều này gây lo ngại rằng virus có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn.
Một số động vật có vú có thể đóng vai trò như vật trung gian cho virus cúm, dẫn đến sự xuất hiện của các virus mới có thể gây hại nhiều hơn cho động vật và con người. Virus cúm gia cầm H5N1 xuất hiện lần đầu vào năm 1996 từ ngỗng và kể từ năm 2020, một biến thể của virus này đã gây ra số lượng chim hoang dã và gia cầm chết nhiều chưa từng thấy ở châu Phi, châu Á và châu Âu. Năm 2021, virus lây lan sang Bắc Mỹ và năm 2022, đến Trung và Nam Mỹ.
Vào năm 2022, 67 quốc gia trên 5 châu lục đã báo cáo dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N1 ở gia cầm và chim hoang dã cho WOAH, với hơn 131 triệu gia cầm bị tiêu hủy. Đến năm 2023, thêm 14 quốc gia khác báo cáo dịch bệnh, chủ yếu ở châu Mỹ.
Hiện nay, virus cúm gia cầm đã lây lan sang các trang trại bò sữa ở Mỹ. Giới chuyên gia y tế đã xác nhận sự xuất hiện của virus cúm gia cầm có mức độ nguy hiểm cao (HPAI) trong nguồn nước chăn nuôi kể từ tháng 3/2024. Virus H5N1 đã được tìm thấy trong sữa tươi của những con bò bị nhiễm bệnh, bao gồm cả các sản phẩm từ sữa được bán tại các cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết "không có dấu hiệu lo ngại về tính an toàn của nguồn cung sữa", vì các sản phẩm từ sữa vẫn an toàn khi được thanh trùng, quá trình này sẽ tiêu diệt virus.
Các nhà khoa học nhận định rằng, virus H5N1 chủng mới có tính chất lây lan nhanh chóng và có khả năng thích nghi dễ dàng trên cơ thể những loài động vật có vú như cáo, gấu, chồn, mèo và chó. Theo Andrew Pekosz, nhà nghiên cứu miễn dịch tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg Johns Hopkins, từ năm 2022, chủng virus này có thể đột biến và phát triển sau mỗi lần lây lan giữa các loài động vật, làm tăng khả năng truyền nhiễm.
Virus H5N1 có khả năng thích nghi và lây lan cao nhất đối với gia cầm. Dịch bệnh cúm gia cầm đã hoành hành trong hai thập kỷ qua, với các đợt bùng phát diễn ra tại các trang trại gia cầm trên khắp thế giới kể từ năm 2022.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây cho biết, chưa có ghi nhận về khả năng lây lan bệnh cúm gia cầm giữa người với người. Cơ quan này cũng nhận định rủi ro tới sức khỏe cộng đồng hiện tại là chưa cao. Việc virus H5N1 lây lan từ người nhiễm sang người tiếp xúc gần cũng rất hiếm vì virus chưa thích nghi để nhân bản bên trong tế bào của con người.
P.V (t/h)