Jollibee cho biết họ sẽ huy động được 12 tỷ peso (250 triệu USD) thông qua việc bán tới 12 triệu cổ phiếu ưu đãi, với giá 1.000 peso mỗi cổ phiếu. Việc bán cổ phần phụ thuộc vào sự chấp thuận của cổ đông và cơ quan quản lý.
Việc bán cổ phần là một phần trong kế hoạch của Jollibee “nhằm tái cấu trúc các nghĩa vụ tài chính nhằm củng cố bảng cân đối kế toán, kéo dài thời gian đáo hạn và giảm rủi ro ngoại hối”. Đây cũng là một hành động nhằm giảm nợ và chi phí tài chính khi các doanh nghiệp của họ bắt đầu phục hồi sau tác động nghiêm trọng của đại dịch.
Tiền thu được từ việc bán cổ phiếu ưu đãi sẽ được dùng để mua lại một phần trong số 600 triệu USD trái phiếu mà Jollibee đã phát hành vào tháng 1/2020. Trái phiếu đã giúp Jollibee tái cấp vốn cho các khoản vay ngắn hạn được sử dụng để mua lại Coffee Bean & Tea Leaf vào tháng 9 năm 2019. Vào tháng 6 năm 2020, công ty cũng huy động được thêm 600 triệu USD nhằm cung cấp các biện pháp dự phòng chống lại ảnh hưởng kéo dài của đại dịch.
Jollibee đã lỗ ròng 11,5 tỷ peso trong năm 2020, khi các thành phố trên khắp thế giới bắt đầu đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhưng họ vừa báo cáo đạt lợi nhuận ròng 153 triệu peso trong quý đầu tiên năm 2021.
“Hầu hết các doanh nghiệp của chúng tôi ở nước ngoài đều đã đạt doanh số bán hàng ở mức trước đại dịch,” Giám đốc điều hành Jollibee Ernesto Tanmantiong cho biết trong một tuyên bố. Tăng trưởng doanh số bán hàng của các cửa hàng đã bù đắp ảnh hưởng của các cửa hàng đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch. Lợi nhuận và dòng tiền của chúng tôi đã phục hồi mạnh mẽ so với một năm trước.
Các cửa hàng ở nước ngoài chiếm 41% tổng doanh số bán hàng trong quý đầu tiên. Tanmantiong cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng ra nước ngoài trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 3. "Jollibee có kế hoạch mở 450 cửa hàng ở nước ngoài trong năm nay đồng thời tìm kiếm các thương vụ mua lại tiềm năng", ông nói.
Được thành lập bởi Tan Caktiong hơn 40 năm trước, Jollibee hiện điều hành hơn 3.200 cửa hàng tại Philippines và hơn 2.500 cửa hàng ở nước ngoài - bao gồm các chuỗi Smashburger và Coffee Bean có trụ sở tại Hoa Kỳ. Công ty đã phải đóng cửa khoảng 70 cửa hàng ở nước ngoài do đại dịch Covid-19 trên khắp thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số bán tại các nhà hàng.
Tan Caktiong, 68 tuổi, được Forbes xếp hạng thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất Philippines vào tháng 9 năm 2020, với giá trị tài sản 1,9 tỷ USD.
Bảo Bảo (Theo Forbes)