Trong tháng 3, giá tiêu dùng trên cơ sở hằng năm ở Eurozone đã tăng 6,9%, giảm từ mức 8,5% trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận vào tháng 10/2022.
Theo dự báo của IMF được công bố hồi đầu tuần này, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay dù Đức được cho là sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ.
Như vậy, IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế Eurozone tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 1 năm nay nhờ một mùa Đông ấm áp hơn, cộng với sự quyết đoán của các nhà hoạch định chính sách.
Theo IMF, Đức là quốc gia duy nhất trong Eurozone được dự báo sẽ bước vào suy thoái trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Đức suy giảm được cho là do tác động của cuộc xung đột Ukraine. Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga hơn so với các quốc gia châu Âu khác.
Với việc bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, Đức sẽ cùng với Anh là hai quốc gia thành viên trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có khả năng suy giảm kinh tế trong năm 2023, nhưng ở mức độ nhẹ hơn so với các dự báo đưa ra trước đó. Hy vọng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm nay trước khi tăng tốc hơn nữa trong năm sau.
Ngọc Phi (TH)