Bài liên quan |
Hoa Kỳ khởi xướng điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste |
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương vừa thông báo về quyết định mới nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden liên quan đến việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyester nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Quyết định này, có hiệu lực từ ngày 23 tháng 11 năm 2024, sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm thuộc mã HS 5503.20.00, cụ thể là HS 5503.20.0025 hoặc 9813.00.0520.
Theo biện pháp này, Hoa Kỳ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu trong vòng 4 năm, bắt đầu với mức hạn ngạch bằng 0 trong năm đầu tiên và tăng thêm một triệu pound mỗi năm trong 3 năm tiếp theo. Đồng thời, Mỹ sẽ thực hiện rà soát giữa kỳ biện pháp vào năm thứ hai, đảm bảo hoàn thành trước khi biện pháp đi vào giai đoạn cuối.
Hoa Kỳ áp biện pháp tự vệ toàn cầu với xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste nhập khẩu. |
Quyết định này bắt nguồn từ cuộc điều tra do Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) khởi xướng vào ngày 28 tháng 2 năm 2024, theo đề nghị của các nhà sản xuất nội địa bao gồm Fiber Industries LLC d/b/a Darling Fibers, Nan Ya Plastics Corp, America, và Sun Fiber LLC. Các nguyên đơn cáo buộc rằng, lượng nhập khẩu sản phẩm này tăng mạnh, gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ.
Theo dữ liệu của USITC, trong giai đoạn 2021-2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyester của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 5,9 triệu USD. Riêng năm 2023, kim ngạch đạt 5,2 triệu USD, giúp Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia xuất khẩu sản phẩm này vào Mỹ, chiếm 3% thị phần nhập khẩu. Do đó, Việt Nam không thuộc nhóm các quốc gia được miễn trừ khỏi biện pháp tự vệ.
Trước đó, vào năm 2017, sản phẩm này từng bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, cùng với điều tra chống trợ cấp đối với Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Việt Nam sau đó được loại trừ khỏi phạm vi điều tra theo yêu cầu từ các nguyên đơn. Hiện tại, các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại, ngoại trừ Việt Nam, vẫn đang chịu mức thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp đối với sản phẩm này.
Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ lần này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đòi hỏi sự chủ động trong việc tìm kiếm giải pháp thích nghi và tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.