Sau 4 năm Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, EU đã vươn lên trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Phát biểu tại Hội thảo “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu” ngày 18/11, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đại diện Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), nhấn mạnh rằng, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong 4 năm qua ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng từ 12% đến 15%.
Trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu hơn 20,2 tỷ USD sang EU, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%, trong khi nhập khẩu từ EU cũng tăng 10%. Với kết quả này, EU tiếp tục nằm trong top 6 thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Không nắm rõ quy định mới của EU, hàng hóa xuất khẩu có thể bị cấm vận. |
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng mạnh, từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Xuất khẩu sang các nước EU27 tăng đều đặn kể từ năm 2021, đặc biệt trong các ngành như điện tử, dệt may, giày dép, nông sản và thủy sản, nhờ vào lộ trình cắt giảm thuế quan theo hiệp định.
Tuy nhiên, những quy định mới được EU ban hành gần đây đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 13/5/2024, EU đã công bố quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU phải khai báo dữ liệu trước khi hàng hóa đến thông qua Hệ thống Kiểm soát Hàng hóa nhập khẩu (ICS2), áp dụng từ ngày 3/6/2024.
Hệ thống ICS2 không chỉ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu trực tiếp mà còn bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào, ngay cả khi điểm đến cuối cùng không nằm trong EU. Ví dụ, hàng hóa từ châu Á đến Anh nhưng quá cảnh qua EU cũng phải tuân thủ quy định này. Các nhà vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cần cung cấp đầy đủ dữ liệu trước khi hàng hóa đến EU. Nếu không tuân thủ, hàng hóa có thể bị giữ lại tại biên giới EU và không được thông quan.
Ngoài ra, các sản phẩm xuất khẩu liên quan đến gia súc, cacao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và các sản phẩm liên quan khác cũng phải đáp ứng quy định mới của EU, chứng minh không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá hoặc gây suy thoái môi trường.
Một thách thức khác đang nhận được sự quan tâm lớn là Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM). EU đã bắt đầu thí điểm CBAM từ ngày 1/10/2024 và dự kiến áp dụng đầy đủ từ năm 2026. Cơ chế này là một phần trong chiến lược của EU nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050.
CBAM được thiết kế để ngăn chặn tình trạng "rò rỉ carbon", khi các doanh nghiệp chuyển sản xuất phát thải cao ra ngoài EU để tránh các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong khu vực. Theo đó, EU sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu thông qua việc yêu cầu các nhà nhập khẩu mua chứng chỉ CBAM. Trong giai đoạn đầu, CBAM tập trung vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện – những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng phát thải công nghiệp của EU.
Sau giai đoạn chuyển đổi vào năm 2025, Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá hiệu quả của CBAM và có thể mở rộng phạm vi áp dụng sang nhiều sản phẩm khác, bao gồm cả chuỗi giá trị và phát thải gián tiếp, như khí thải từ việc sử dụng điện trong sản xuất. Đến năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải mua chứng chỉ CBAM, với giá được tính dựa trên giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS (Hệ thống Thương mại Khí thải của EU).
Ông Nguyễn Thành Hưng, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, khuyến nghị rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt các quy định và xu hướng mới tại EU để điều chỉnh sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất bền vững hơn và tiếp cận các thị trường mới. Chỉ khi thích nghi với các tiêu chuẩn khắt khe từ EU, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà EVFTA mang lại, đồng thời khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.