Toàn cảnh Hội thảo "Dubai – Cửa ngõ bước vào các cơ hội đầu tư vượt trội". |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ahmed Bin Sulayem - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Dubai Multi Commodities Centre (DMCC) cho biết, Dubai là một thành phố trong các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE). Hiện nay, UAE là đối tác giao dịch lớn nhất Việt Nam tại thị trường Trung Đông và thời gian qua, DMCC đã nỗ lực tìm kiếm, thúc đẩy các giải pháp để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, phát triển thị trường ở Dubai.
Ông Ahmed Bin Sulayem cho biết, DMCC với gần 24.000 công ty thành viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như trà, cà phê, vàng, kim cương, xây dựng và dịch vụ tài chính, đóng góp 11% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI và 7% GDP cho Dubai. Những điều này tạo thuận lợi để DMCC hỗ trợ các doanh nghiệp Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng tìm kiếm cơ hội đầu tư, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường UAE.
Ông Ahmed Bin Sulayem - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Dubai Multi Commodities Centre (DMCC) phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: DMCC. |
Trên thực tế, hiện nay, UAE là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam tiếp cận các thị trường trong khu vực này cũng như các thị trường khác ở Tây Á và Châu Phi. Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau. Việc Chính phủ 2 nước chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) đã tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á và châu Phi.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn và dịch vụ chất lượng của UAE, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa và dịch vụ của UAE sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN thông qua vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Dubai – Cửa ngõ bước vào các cơ hội đầu tư vượt trội". |
Cụ thể, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm).
Tính đến hết tháng 9/2024, thương mại song phương Việt Nam và UAE đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,31 tỷ USD, tăng mạnh 43,67% so với cùng kỳ 2023, tương đương kim ngạch tăng 1,31 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, hàng dệt may, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ UAE gồm chất dẻo nguyên liệu, khí đốt hóa lỏng (LPG), chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất
Ông Eisa Mohamed Abdulla AlHamedi - Đại diện lâm thời Đại sứ quán UAE tại Hà Nội nhấn mạnh, Hiệp định CEPA với UAE là hiệp định tự do thương mại thứ 17 Việt Nam tham gia ký kết, đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Ông Eisa Mohamed Abdulla AlHamedi - Đại diện lâm thời Đại sứ quán UAE tại Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: DMCC |
Ông Eisa Mohamed Abdulla AlHamedi cho rằng, tại Hội thảo này, các chuyên gia cần thảo luận về cách cơ sở hạ tầng hoạt động của DMCC với 24.000 doanh nghiệp cho phép mở rộng cơ hội đầu tư, tạo bước đệm đưa sản phẩm Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam và UAE.