Quảng Bình có hệ thống giao thông khá đồng bộ: đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh hai nhánh Đông va Tây; có sân bay Đồng Hới, có Cảng biển Hòn La. Đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Bình mở rộng hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực để phát triển vận tải Quốc tế, thương mại hàng hóa, dịch vụ và du lịch với các nước tiểu vùng Sông Mê Kông. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập Quốc tế, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trung khu vực Bắc Trung Bộ. Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Trưởng Văn phòng Đại diện Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập tại Quảng Bình.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, năm có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường phát triển 5 năm (2021 - 2025). Xin đồng chí cho biết, chúng ta cần có những giải pháp đột phá nào để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra?
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 và Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, hậu quả lũ lụt vẫn còn nặng nề, tác động lớn đến nền kinh tế của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Đồng thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 -2025 đảm bảo đúng quy định, phát huy hiệu quả; ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng, có tính chất lan tỏa, liên vùng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển của tỉnh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ ba, tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu ngành công nghiệp dựa vào lợi thế so sánh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; quan tâm phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu. Chú trọng đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa.
Thứ tư, Thực hiện tốt các giải pháp phát triển văn hóa, công bằng xã hội; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp của các địa phương trong tỉnh; nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá. Phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, bền vững, bảo vệ nhóm yếu thế trong xã hội. Thực hiện tốt các chính sách trợ giúp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng, vùng khó khăn, các đối tượng bảo trợ xã hội. Tăng cường công tác y tế dự phòng; phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và hiệu quả của y tế cơ sở.
Thứ năm, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định đời sống Nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng. Kiểm soát chặt chẽ môi trường tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường khả năng điều tiết các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển. Xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng. Rà soát các khâu còn yếu, thiếu trong phương châm 4 tại chỗ để kịp thời bổ sung, đảm bảo ứng phó hiệu quả sự cố thiên tai.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Thu hút đầu tư đang được nhiều địa phương coi là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội. Vậy quan điểm của tỉnh Quảng Bình về vấn đề này như thế nào, và tỉnh đang có những chính sách gì để thu hút đầu tư?
Với quan điểm luôn "Đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp”, Quảng Bình luôn chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ, Quảng Bình cam kết triển khai những giải pháp hướng đến môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai, minh bạch; xây dựng các chính sách, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững; chuyển đổi triệt để và thực chất phong cách làm việc từ “quản lý” sang “phục vụ” người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm cho công cuộc phát triển của địa phương; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và đối thoại thường xuyên với cấp lãnh đạo tỉnh cao nhất để có thể giải quyết những khó khăn, rào cản một cách nhanh chóng, kịp thời.
Điểm sáng trong hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn đó là hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021 vừa được tổ chức trong tháng 1 vừa qua. Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Quyết định đầu tư của Chính phủ cho dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2, công suất 1.200MW, tổng mức đầu tư 48.156 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Dự án sân golf Bảo Ninh, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Trường Thịnh. Lãnh đạo tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư thực hiện 35 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 92.000 tỷ đồng, trong đó trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 nhà đầu tư thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn 22.195 tỷ đồn và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 17 nhà đầu tư thực hiện 22 dự án với tổng vốn đăng ký 69.887 tỷ đồng.
Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cam kết làm hết sức mình, đồng hành, tạo môi trường an toàn, thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, cùng nhà đầu tư để biến ý tưởng thành hiện thực, xem sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp có phát triển thì Quảng Bình mới giàu và đẹp. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Xin cảm ơn đồng chí!
Trọng Lãnh (thực hiện)