Nhân dịp Kỷ niệm 55 năm ngày 13 Anh hùng thanh niên xung phong Tiểu đội thép anh dũng hy sinh (31-10-1968 – 31-10-2023), Báo Nhân dân phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật “Truông Bồn – Dấu chân Anh hùng” để tôn vinh truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân ta, thể hiện với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng, ghi nhớ công lao to lớn các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với nước, góp phần giới thiệu, bảo tồn, lưu giữ và phát huy một địa danh lịch sử cho các thế hệ mai sau, qua đó tăng cường giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm của tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, đây cũng là hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng chính sách, thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ và người có hoàn cảnh khó khăn hiện sống trên địa bàn tỉnh Nghệ An và hàng vạn người nói chung trên cả nước, góp phần giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, tuổi già, bệnh tật. Thông qua chương trình nghệ thuật này, Ban Tổ chức chương trình mong muốn góp phần thúc đẩy hành động đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng, liệt sĩ, tri ân các cựu chiến binh, các thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong… sẽ được nhân lên nhiều hơn nữa, trở thành một phong trào rộng rãi, được thực hiện thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ và bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.
Được biết, đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật hấp dẫn và độc đáo được giàn dựng bằng sự kết hợp đa dạng hình thức từ ánh sáng, âm thanh và hiệu ứng công nghệ hiện đại cùng với cách thể hiện đặc sắc của nhiều nghệ sĩ tên tuổi… nhằm thể hiện lòng tri ân đối với người dân vùng đất cách mạng từng chịu nhiều hy sinh, mất mát nhưng nay vẫn còn nhiều gian khó. Qua đó, Ban Tổ chức mong muốn, với sức hấp dẫn và lan tỏa của chương trình nghệ thuật sẽ góp phần tích cực giới thiệu đến đông đảo du khách về tiềm năng, giá trị và nét đẹp thu hút của văn hóa, con người và vùng đất cách mạng xứ Nghệ. Tại chương trình, Ban Tổ chức sẽ trao tặng 14 sổ tiết kiệm cho thân nhân 13 Anh hùng Liệt sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn, nhân chứng lịch sử Trần Thị Thông; trao ủng hộ 50 căn nhà tình nghĩa trị giá 2,5 tỷ đồng để chung tay cùng tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội.
Lịch sử vẻ vang của dân tộc ghi nhận rằng, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ oanh liệt của quân dân ta, Truông Bồn là đầu mối giao thông có vị trí đặc biệt quan trọng trên quốc lộ 15A, nơi kết nối các tuyến đường huyết mạch vận chuyển quân lương, đạn dược từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong những năm từ 1964 đến 1968, không quân Mỹ đã dội xuống tuyến đường này gần 19 nghìn quả bom các loại, hàng nghìn quả tên lửa. Hàng nghìn héc-ta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc quốc lộ 15A bị tàn phá; hàng trăm chiếc xe ô-tô chở hàng, hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị trúng bom bốc cháy… Dẫu vậy, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến. Trong đó có thể nói Thanh niên xung phong là lực lượng chủ công. Thanh niên xung phong Truông Bồn đã bất chấp mưa bom bão đạn, không quản gian khổ hy sinh để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; cùng lực lượng công binh phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, bảo đảm thông đường cho những chuyến hàng chi viện miền Nam.
Tại Truông Bồn, đã có hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, Thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông hy sinh, trong đó có 372 chiến sĩ Thanh niên xung phong… Trong số đó, có 13 Thanh niên xung phong Tiểu đội thép thuộc Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An. Rạng sáng 31-10-1968, chỉ ít giờ trước thời điểm Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, có 13/14 Thanh niên xung phong đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom sau một trận bom ác liệt của địch tại Truông Bồn. Phần lớn những người hy sinh đã hoàn thành nhiệm vụ, có quyết định ra quân, có người đã có quyết định đi học, có người đã định ngày cưới... Họ đã xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần "Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường"; "Đường chưa thông không tiếc máu xương".
Địa danh Truông Bồn và sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ Truông Bồn, đại diện tiêu biểu cho 4,3 vạn Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An và hàng chục vạn Thanh niên xung phong trong cả nước cống hiến tuổi thanh xuân và máu xương của mình vì đất nước đã đi vào lịch sử, trở thành một dấu son đáng nhớ, một huyền thoại về ý chí bất khuất, kiên cường của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn, trong đó, 13 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Bộ Văn hóa Thông tin đã có Quyết định công nhận Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.
Hoàng Lan – Văn Cương