Từng là “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc, Huawei đã phải vật lộn tìm đường tồn tại sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen do lo ngại về an ninh quốc gia năm 2019.
Huawei Technologies hôm 20/4 cho biết, họ đang thay thế các hệ thống quản lý phần mềm nội bộ của các nhà cung cấp Mỹ bằng phiên bản nội bộ của riêng mình. Công ty này coi đây là chiến thắng trước các biện pháp kiềm chế của Mỹ từng đe dọa sự tồn tại của họ.
Huawei đã tổ chức một buổi lễ để kỷ niệm việc chuyển đổi sang “MetaERP” (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) của riêng mình tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc với sự tham dự của Chủ tịch luân phiên của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, con gái của ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập công ty.
Hệ thống ERP được sử dụng để quản lý hiệu quả tất cả quy trình kinh doanh chính hàng ngày của công ty, bao gồm tài chính, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, thu mua, sản xuất, bán hàng và nhiều dịch vụ khác.
Huawei tuyên bố đã tạo ra một hệ thống ERP cây nhà lá vườn chỉ trong 3 năm và ứng dụng này đang vận hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình một cách hoàn hảo.
Tao Jingwen, thành viên hội đồng quản trị Huawei và Giám đốc Bộ phận quản lý CNTT, Quy trình Kinh doanh & Chất lượng, nói trong một thông báo của công ty: “Hơn 3 năm trước, chúng tôi đã bị loại khỏi hệ thống ERP cũ cũng như các hệ thống quản lý và vận hành cốt lõi khác. Kể từ đó, chúng tôi không chỉ có thể xây dựng MetaERP của riêng mình mà còn quản lý chuyển đổi và chứng minh khả năng của nó. Hôm nay, chúng tôi tự hào thông báo rằng đã vượt qua được sự phong tỏa. Chúng tôi đã sống sót!”.
Huawei bắt đầu làm việc trên hệ thống ERP của mình, được đặt tên là MetaERP, từ năm 2019.
"Đây là dự án chuyển đổi phức tạp và quy mô lớn nhất mà Huawei từng thực hiện. Trong suốt 3 năm qua, Huawei đã đầu tư nhiều tài nguyên và phân công hàngngàn người cho dự án này. Kết quả là một hệ thống MetaERP mới, hướng tới tương lai, quy mô siêu lớn và tích hợp đám mây đã được triển khai và thay thế hệ thống ERP cũ”, công ty Trung Quốc cho biết.
Theo quan điểm của Huawei, hệ thống ERP này hoàn hảo. "Hiện tại, MetaERP xử lý 100% các kịch bản kinh doanh của Huawei và 80% khối lượng kinh doanh của công ty. MetaERP đã vượt qua các bài kiểm tra giải pháp thanh toán hàng tháng, hàng quý và hàng năm, đồng thời đảm bảo không có lỗi, không chậm trễ và không có điều chỉnh số liệu kế toán", công ty tuyên bố.
Ông Tao không đề cập đến việc liệu Huawei có ý định thương mại hóa hệ thống ERP của mình và cạnh tranh với những đối thủ như Oracle và SAP hay không, nhưng nó cung cấp một ngành kinh doanh mới tiềm năng cho công ty Trung Quốc, vốn đang muốn mở rộng sang các lĩnh vực nhằm tồn tại dưới áp lực của Mỹ.
“Đổi mới chỉ có thể thực hiện được với một tinh thần cởi mở và chỉ có thể phát triển thịnh vượng khi làm việc cùng nhau”, bà Mạnh Vãn Chu, nữ chủ tịch luân phiên kiêm giám đốc tài chính của Huawei chia sẻ về bước tiến mới của doanh nghiệp.
Huawei sẽ có quyền kiểm soát toàn diện đối với MetaERP, hệ thống được tích hợp đồng bộ với các hệ thống khác của Huawei như EulerOS và GaussDB.
Ngoài ra, công ty cũng đã làm việc với các đối tác để tích hợp thêm các công nghệ tiên tiến (kiến trúc dựa trên đám mây, kiến trúc đa khách hàng dựa trên siêu dữ liệu, trí thông minh thời gian thực…) vào MetaERP, nhằm cải thiện đáng kể hiệu quả dịch vụ và chất lượng hoạt động.
Nguyên tắc hướng dẫn của Huawei là xây dựng kiến trúc đơn giản nhất với chất lượng tốt nhất, mang lại trải nghiệm tốt nhất với chi phí thấp nhất có thể.
Huawei cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để xây dựng các hệ thống kinh doanh cốt lõi an toàn và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp, bao gồm cả ERP và PLM, mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ hạn chế nào.
Phương Mai (t/h)