Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất hàng năm trong khoảng từ 0,25% đến 1,5% giá đất theo bảng giá đất ban hành tại Quyết định 79/2024/QĐ-UBND. Dù khung này phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 26, Nghị định 103/2024/NĐ-CP, nhưng theo HoREA, việc áp dụng mức cao đã đẩy chi phí thuê đất lên quá cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dẫn chứng trường hợp tại khu cảng Khánh Hội, nơi đơn giá thuê đất đã được tính ở mức 1.909 triệu đồng/m². Do áp dụng tỷ lệ cao nhất là 1,5%, tiền thuê đất cho diện tích 11.000 m² kho bãi tại đây trong năm 2025 đã lên tới gần 21.000 tỷ đồng – tăng gấp 6,36 lần so với năm 2022. “Chi phí thuê đất tăng cao kéo theo chi phí logistics, khiến giá hàng hóa và dịch vụ leo thang, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế,” ông Châu nhấn mạnh.
![]() |
HoREA kiến nghị TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh tỷ lệ tính tiền thuê đất |
Từ thực tế này, HoREA kiến nghị chỉ nên quy định tỷ lệ trong khoảng 0,25%-0,75% cho giai đoạn đầu thực hiện Luật Đất đai 2024, nhằm tạo điều kiện cho thị trường thích nghi. Sau đó, các cơ quan có thể xem xét điều chỉnh mức thu cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 103/2024/NĐ-CP, theo hướng thu hẹp biên độ khung tỷ lệ từ 0,25%-3% xuống còn 0,25%-1,5%. “Nếu vẫn giữ nguyên khung cao như hiện tại thì các địa phương sẽ không mạnh dạn áp dụng tỷ lệ thấp, từ đó dẫn đến tình trạng tăng giá thuê đất hàng loạt,” ông Châu nhận định.
Cùng với đó, HoREA cũng đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát khoảng 10 dự án khu dân cư, nhà ở thương mại được thực hiện theo mô hình chủ đầu tư cấp I và các chủ đầu tư thành phần cấp II.
Theo mô hình này, chủ đầu tư cấp I đảm nhiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng chính và hệ thống giao thông trục chính. Các chủ đầu tư cấp II sẽ đóng góp tài chính cho các hạng mục nêu trên và sau đó triển khai dự án thành phần của mình.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm triển khai, nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng kết cấu hạ tầng đầy đủ, gây thiệt hại lớn cho người mua nhà vì đã nộp tiền từ lâu nhưng chưa được bàn giao nền hoặc nhà. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị, khiến khu vực dự án trở nên nhếch nhác, thiếu sức sống.
Một số dự án điển hình được HoREA nhắc đến bao gồm Khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái (154 ha), Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (90 ha), và dự án nhà ở của Công ty Him Lam triển khai trên khu đất sạch rộng 3 ha đã có hạ tầng nội bộ hoàn chỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng cho người dân.
Với những bất cập trên, HoREA đề nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản và nâng cao chất lượng phát triển đô thị trong thời gian tới.